Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
|
Chiều 4/11, Dự án Luật báo chí (sửa đổi) đã được trình ra Quốc hội. Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đánh giá, điểm mới của Dự án Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Ngoài ra, Dự án Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra cũng chỉ ra những bất cập và đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Trong đó quanh vấn đề được nhiều người quan tâm là quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, Dự án Luật phân biệt quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là hai quyền riêng và quy định tại 2 điều 11 và 12.
Tuy nhiên, Điều 11 quy định quyền tự do báo chí đối với nhiều chủ thể: Công dân, báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo và được trình bày thiếu logic. Trong khi đó, khái niệm cơ bản của Luật là quyền tự do báo chí của công dân lại không được làm rõ: Nội dung quyền tự do báo chí của công dân tại Điều 11 (khoản 1, khoản 4) trùng với quyền tự do ngôn luận tại Điều 12; khoản 3 lại quy định về quyền tiếp cận thông tin; khoản 5 thuộc về hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Ủy ban đề nghị ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp, làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì (hay nói cách khác: Tự do báo chí khác tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí như thế nào).
Dự án Luật quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cho biết, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động chủ yếu theo ba loại hình sau: Một số cơ quan báo chí của các cơ quan đảng và nhà nước được ngân sách nhà nước bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí, hoạt động.
Một số cơ quan báo chí của các cơ quan đảng và nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc khi thành lập; hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi. Có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa. Thực tiễn đó cho thấy hiện còn quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và bao cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Do vậy, Dự án Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.
Quanh vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí, đa số ý kiến trong Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ cho rằng, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như Dự án Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, Ủy ban cho rằng Dự án Luật cần bổ sung quy định các trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Dự án Luật báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 14/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 26/11.