Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng 7 giờ 30 phút sáng nay (17/12), tại khu phố Trung Lợi, thị trấn Chơn Thành...

Kinhtedothi - Đúng 7 giờ 30 phút sáng nay (17/12), tại khu phố Trung Lợi, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động vụ trọng án xảy ra rạng sáng ngày 7/7/2015, làm chết 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành).

3 bị cáo trong phiên tòa hôm nay gồm: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long).
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 1
Từ 7h sáng, khu vực mở phiên tòa xét xử vụ thảm sát ở tỉnh Bình Phước đã có rất đông người dân đến theo dõi phiên xử..
Phiên tòa này được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi tính dã man của các bị cáo. Để vụ án được xét xử với tinh thần nghiêm minh, theo pháp luật, lãnh đạo đầu ngành các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước đều tham ra HĐXX và tham ra giữ quyền công tố. Cụ thể: Ông Nguyễn Hữu Trí - Chánh án TAND tỉnh Bình Phước làm chủ tọa, ông Hoàng Minh Thịnh (Phó Chánh tòa hình sự) và 3 Hội thẩm nhân dân; hai kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Lê Đức Xuân (Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước) và ông Nguyễn Quốc Hân (Trưởng phòng 1, Viện KSND tỉnh Bình Phước). 

Với lượng người theo dõi dự kiến lên đến khoảng 4.000 người, tỉnh Bình Phước đã quyết định huy động 400 chiến sĩ công an, tăng hơn 100 người so với dự định trước đó. Theo Đại tá Phạm Xuân Chiến - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, đây là phiên tòa thu hút rất đông nhân dân đến theo dõi nên công tác đảm bảo trật tự và an toàn cho mọi người là mục tiêu hàng đầu. Lực lượng công an áp dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, xử lý nghiêm trường hợp gây rối, trộm cắp, cướp giật có thể xảy ra.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 2
Phiên tòa trước thời điểm chính thức xét xử.
Vụ án được đưa ra xét xử trong sáng nay đã gây rúng động dư luận bởi sự tàn độc, dã man của các bị cáo. Thủ phạm là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang; tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM), Vũ Văn Tiến (tức “Bé”, 24 tuổi, nguyên quán Bình Phước; tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long; tạm trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM).
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước, Nguyễn Hải Dương là người chủ mưu và trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 6 nạn nhân, cướp tài sản của gia đình ông Mỹ. Tiến thực hiện hành vi dùng dây siết cổ các nạn nhân để Dương dùng dao đâm rồi cùng cướp tài sản. Thoại là người thực hành và giúp sức, mua dao cho Dương, Tiến thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 3
Khoảng 400 cảnh sát tham gia bảo vệ phiên tòa
Cả 3 bị cáo đều bị truy tố khung hình phạt cao nhất. Trong vụ án, 3 bị cáo được hưởng 2 tình tiết giảm nhẹ gồm, phạm tội lần đầu và thành khẩn khai báo. Cả ba bị cáo bị truy tố về tội “giết người” và “cướp tài sản” theo điều 93 và điều 133 Bộ Luật hình sự. Trong đó, các bị cáo Dương, Tiến có những tình tiết tăng nặng như: Giết người man rợ, giết trẻ em, hành vi đê hèn...

Hàng ngàn người dân đến theo dõi phiên tòa xét xử vụ trọng án ở Bình Phước

Lúc 8 giờ 20 phút, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản cáo trạng luận tội. Vào khoảng tháng 10/2013, Nguyễn Hải Dương (SN 1991; HKTT: ấp Long Hạ, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; tạm trú tại ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM) quen Lê Thị Ánh Linh (SN 1993, trú tại ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) qua mạng xã hội rồi nảy sinh quan hệ tình cảm. Sau đó, Linh đã nhiều lần đưa Dương về nhà mình để giới thiệu với cha, mẹ mình là ông Lê Văn Mỹ (SN 1967) và bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (SN 1973).
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 4

Các bị cáo tại phiên tòa.
Đến khoảng tháng 2/2015, Linh chấm dứt mối quan hệ với Dương do gia đình không đồng ý hai bên yêu nhau. Từ đó, Dương nảy sinh ý định giết cả gia đình Linh và chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện ý đồ trên, trong tháng 4/2015, Dương đặt mua trên mạng và chuẩn bị một số dụng cụ như: súng bắn bi sắt, súng điện, dao bấm, găng tay, sợi dây rút, băng keo, cây ba khúc, bình xịt hơi cay… Tất cả những vật này Dương cất trong một ba-lô để trong phòng trọ. Dương còn mua một sim điện thoại (dạng sim rác) để liên lạc trong quá trình đi gây án…
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 5
Dương biết được cháu Dư Minh Vỹ (SN 2001, cháu gọi bà Ánh Nga là dì ruột, ở nhà ông Mỹ) thích chơi game và thường gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho Dương để xin tiền chơi game nên Dương lên kế hoạch dụ dỗ cháu Vỹ ra mở cửa để cho tiền rồi giết cháu Vỹ; sau đó Dương sẽ đi vào nhà ông Mỹ theo hướng Vỹ đã đi ra rồi giết cả nhà ông Mỹ… Sau đó, Dương nhiều lần gọi điện thoại và nhắn tin cho Vỹ, hướng dẫn Vỹ nhốt chó và mở cửa nhà để Dương lên gặp Vỹ. Dương đã hướng dẫn Vỹ mở cửa trên ban-công lầu một rồi trèo xuống dưới, ra mở cổng, nhằm thăm dò xem việc Vỹ mở cửa có bị ai phát hiện không…

Ngày 4/7/2015, Dương rủ Trần Đình Thoại (SN 1988; HKTT: ấp Tường Hưng, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; tạm trú tại số 13, đường Phạm Văn Đồng, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) đến nhà ông Mỹ với mục đích giết người và cướp tài sản. Thoại đã đồng ý. Dương bàn bạc với Thoại việc chuẩn bị công cụ và kế hoạch phạm tội. Đến khuya cùng ngày, Dương và Thoại đến nhà ông Mỹ nhưng do Vỹ ngủ quên, không ra mở cửa nên cả hai không thực hiện được hành vi phạm tội. Cả hai bàn bạc hôm sau sẽ tiếp tục tới nhà ông Mỹ để gây án.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 6
Đến tối ngày 5/7/2015, Thoại mua một con dao Thái Lan đưa cho Dương; sau đó Thoại nói bà ngoại ở quê bị bệnh nên không tham gia với Dương nữa. Ngày 6/7/2015, Dương rủ Vũ Văn Tiến (SN 1991; HKTT: thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước; tạm trú tại ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM) đi cướp tài sản, Tiến đã đồng ý. Dương đã bàn bạc và cho Tiến biết toàn bộ kế hoạch và công cụ gây án. Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 7/7/2015, Dương và Tiến đến nhà ông Mỹ; dùng tay khống chế, bóp cổ, bịt miệng Vỹ làm Vỹ bất tỉnh; rồi Dương dùng dao đâm nhiều nhát làm Vỹ tử vong. Tiếp đó, Dương và Tiến trèo vào nhà ông Mỹ bằng lối đi phía sau mà Vỹ đã ra; khống chế Lê Thị Ánh Linh, Dư Ngọc Tố Như (SN 1997, chị ruột Vỹ) ở trên lầu rồi xuống dưới lầu khống chế, trói ông Mỹ, bà Ánh Nga và cháu Lê Quốc Anh (SN 2000, con ông Mỹ và bà Nga). Sau đó, Tiến dùng dây siết cổ từng người; Dương dùng dao lần lượt đâm chết cháu Quốc Anh, bà Nga, ông Mỹ, Như và Linh. Đồng thời, Dương và Tiến đã chiếm đoạt của gia đình ông Mỹ số tài sản trị giá hơn 49,2 triệu đồng.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 7

Di ảnh của những nạn nhân trong vụ thảm sát.
Sau quá trình điều tra, đến ngày 7/10/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Phước) đã kết thúc công tác điều tra và ban hành bản kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố ba bị can về tội giết người và cướp tài sản theo Điều 93 và Điều 133 của Bộ luật Hình sự. Đến ngày 2-11-2015, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã ban hành bản cáo trạng, đề nghị truy tố ba bị can Dương, Tiến và Thoại về tội giết người và cướp tài sản. Trong đó, các bị can có những tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, hành vi man rợ, có tính chất côn đồ, động cơ đê hèn…

Ngày 3/11/2015, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án trên sang TAND tỉnh Bình Phước để xét xử theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường phiên tòa xét xử sáng nay, có hơn 6.000 người dân trong tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Nam bộ đã đến theo dõi phiên tòa. Các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa đã làm việc hết sức nỗ lực và nghiêm túc để giữ phiên xét xử được nghiêm túc, an toàn. Đáng chú ý, người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát rất bức xúc nên đã có những hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Kết thúc phần đọc cáo trạng của đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước, Chủ tọa phiên tòa đã bắt đầu phần thẩm vấn với bị cáo Nguyễn Hải Dương. Dương cho biết bản thân mình bị ngăn cấm chuyện quan hệ tình cảm với Linh vì bà Nga (mẹ Linh) yêu cầu con gái yêu người con trai con nhà giàu có, để thuận lợi cho công việc làm ăn của gia đình. Bị ngăn cản như vậy, Dương sinh lòng thù hận và có ý định ra tay hạ sát cả gia đình người yêu. Khi rủ Trần Đình Thoại cùng tham gia việc thảm sát cùng mình, Dương nói với bạn là có hùn hạp làm ăn trên Bình Phước, bị người ta xù tiền, do vậy cả hai sẽ giết người để lấy lại tiền.

Tiếp đó, Dương kể lại quá trình gây án tại trụ sở Công ty TNHH Quốc Anh vào rạng sáng 7/72015 với bị cáo Vũ Văn Tiến. Đầu tiên, Dương khống chế, sát hại Vỹ bằng dây và dao. Sau đó, Dương lên lầu để sát hại Linh (người yêu cũ) và Như. Bị cáo đã cầm dao hăm dọa Linh bảo nằm im, rồi lấy dây điện thoại trói tay Linh và Như. Lời qua tiếng lại một lúc, Dương cầm dao sát hại cả hai người con gái.

Dương tiếp tục tường thuật lại lúc vào phòng khống chế ông Mỹ, bà Nga, cháu Quốc Anh trong phòng ngủ. Dương trình bày chi tiết từng hành động khống chế, tra khảo và giết các nạn nhân. Người dân đến theo dõi phiên tòa đã rất phẫn nộ trước hành động tàn độc của bị cáo Dương.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 8
Bị cáo Trần Đình Thoại tại phiên tòa.
10 giờ 20 phút, HĐXX đã thẩm vấn bị cáo Vũ Văn Tiến. Tiến tường thuật lại việc can ngăn Dương giết người. Bị cáo cho hay sau khi thấy Dương giết Vỹ quá ghê rợn, đã can ngăn Dương không giết người nữa và đi về. Song, Dương tay cầm dao và nhìn qua Tiến, rồi nói là phải tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Hơi sợ, bị cáo đã không bình tâm và làm theo lời Dương…
Theo bị cáo Tiến, trong quá trình sát hại Linh, Nguyễn Hải Dương là người trực tiếp sát hại, còn mình chỉ hỗ trợ khống chế các nạn nhân và vào nhà tắm lấy đồ đạc để bịt miệng các nạn nhân. Về việc sát hại bà Nga, bị cáo Tiến cho biết đã siết cổ làm bà Nga bất tỉnh sau 2 phút; sau đó Dương tiếp tục lấy gối đè lên bà Nga và cũng chính bị cáo này dùng dao đâm vào cổ bà Nga. "Bị cáo lo sợ nhưng không biết phải làm sao. Sợ không làm theo sẽ bị Dương giết luôn", Tiến khai nhận. Trước câu trả lời này, HĐXX chất vấn: "Xét về thể hình thì cả hai không hơn thua nhau, bị cáo cũng có nhiều cơ hội bỏ chạy mà?".

Bị cáo Tiến cho biết, sau khi giúp Dương sát hại bà Nga, bản thân muốn rút lui ra về nhưng khi có ý định như vậy thì Dương cầm dao nhìn chằm chằm vào mặt bị cáo. Tiến sợ Dương ra tay luôn với mình nên đồng ý và tiếp tục cùng Dương khống chế và sát hại các nạn nhân.

10 giờ 40 phút, HĐXX cho gọi bị cáo Trần Đình Thoại lên để thẩm vấn. Về hành vi tiếp tay cho bị cáo Dương, Thoại trả lời HĐXX: Ngày 4/7/2015, vào nhà ông Mỹ giết người cướp tài sản bất thành, Thoại cùng Dương từ Bình Phước về lại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Theo bị cáo Thoại, kế hoạch không thành nên trưa 5/7, Dương điện thoại cho Thoại mua con dao Thái Lan và Thoại đồng ý mua. Thoại nói mục đích mua dao đưa cho Dương vì không muốn đi với Dương nữa. Bị cáo Thoại khẳng định, lý do bà ngoại bệnh nên không tham gia vụ giết người vào ngày hôm sau là thật. Tuy nhiên, sau đó Thoại đã không về quê thăm ngoại. Bị cáo đồng ý việc bị truy tố tội đồng phạm là đúng. 

11 giờ 10 phút, HĐXX hỏi nhân chứng Trần Thị Trinh, dì của bị cáo Nguyễn Hải Dương. Bà Trinh cho biết trước thời gian gây án, khi Dương mang túi hung khí về thì mình cũng không tò mò mà nghĩ đơn giản đó là túi đồ bình thường, và bà cũng không xem đồ gì trong đó. Bản thân có hỏi Dương nhưng Dương không nói gì nên cũng không biết Dương đi đâu, làm gì.
Chính thức xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước - Ảnh 9
Hàng ngàn người dân tỉnh Bình Phước và các tỉnh Nam Bộ đến theo dõi phiên xử.
 
11 giờ 20 phút, HĐXX xét hỏi bà Đoàn Thị Cẩm Loan, người giúp việc cho nhà ông Mỹ. Bà Loan cho biết đã làm được 4 năm, khi bà Nga sinh em bé 1 tháng thì vào làm luôn từ đầu giờ sáng đến tối, trước đó bản thân khi thì qua giúp việc, khi làm trong xưởng gỗ. Vào ngày xảy ra vụ án, khi bà Loan đến thì thấy cửa sau không mở, nhưng nhìn qua cửa kính thấy cửa hông mở. Khi bà bước vào thì thấy gần cửa máu rất nhiều, vào phòng thì thấy ba Nga nằm đó, bà Loan lay gọi nhưng không tỉnh. Tiếp tục bà Loan vừa chạy lên phòng vừa la, gọi những người còn lại nhưng không có ai trả lời, chỉ có bé Na kêu tên bà Loan. Sau đó, bà Loan bế bé Na chạy xuống cổng báo cho công nhân rằng cả nhà ông Mỹ chết hết rồi. Tiếp đó, ông Nguyễn Lê Hưng, em trai bà Nga, trả lời thẩm vấn của HĐXX về cuộc gọi lúc nửa đêm của bà Nga.
Cuối phiên xét xử buổi sáng, đại diện gia đình bị hại đề nghị sau phiên tòa cần điều tra thêm về lời khai của bà Trần Thị Trinh, dì của bị cáo Nguyễn Hải Dương. Ngoài ra, gia đình thống nhất mức bồi thường 80 triệu đồng/người, tổng cộng là 480 triệu đồng; còn hình phạt, đề nghị HĐXX tuyên đúng người đúng tội.