Hiện, ông Pier Luigi Bersani của Đảng Dân chủ của Italia đang dẫn đầu cuộc đua, nhưng nhờ kinh nghiệm cũng như thế mạnh về kinh tế để thực hiện các cuộc vận động hành lang đã giúp ông Berlusconi thu hẹp dần khoảng cách với các ứng cử viên khác.
Cách đây hai năm, Thủ tướng Mario Monti đã xuất hiện như một "cứu tinh" giúp Italia thoát khỏi bờ vực sụp đổ tài chính, tránh được một thảm họa kinh tế cho châu Âu và thế giới. Nhưng Chính phủ kỹ trị với sự tham gia điều hành của các chuyên gia dường như xa lạ với một chính trường được giá là hoạt động theo "phong cách điện ảnh" của Italia và dần dần bộc lộ những yếu điểm. "Phép màu của Monti" bị các chính trị gia đối lập cáo buộc đã đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng suy thoái kéo dài, cùng với đó là tỷ lệ thất nghiệp, số người phải sống trong cảnh nghèo khó tăng cao nên nhiều khả năng cử tri nước này sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên không đi theo đường lối thắt lưng buộc bụng. Vốn là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và lớn thứ 3 trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, nhưng Italia lại là một trong những quốc gia có số nợ công cao nhất thế giới. Vì thế bất cứ ai trở thành người đứng đầu Chính phủ Italia cũng phải đối mặt với nhiều bài toán hóc búa khi vừa phải thúc đẩy kinh tế, cắt giảm nợ công vừa phải khắc chế các tập đoàn kinh tế mafia hùng mạnh ở phía Nam. Sự trở lại của ông Berlusconi chắc chắn sẽ khiến chính trường Italia nổi sóng với những tranh cãi về cuộc sống riêng tư. Việc ông cam kết từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng và những cải cách mà ông Monti đã tiến hành trong năm qua cũng gây ra không ít lo ngại do niềm tin của giới đầu tư tài chính vào khả năng chống khủng hoảng của Italia bị sụt giảm nghiêm trọng, tạo nên tình trạng hoảng loạn trên thị trường.