Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ cái kết cổ tích cho phát hành phim Việt

Nguyễn Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi khởi chiếu ngày 19/8, bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do BHD phát hành long đong tìm đường ra rạp vì không thỏa thuận được tỷ lệ chia doanh thu phòng vé với Tập đoàn giải trí đa phương tiện CJ CGV.

Vậy nhưng, BHD đã không chỉ khẳng định “nội lực” của “Tấm Cám”, mà còn nhen hy vọng về hướng đi mới cho phát hành phim Việt.

CGV thống lĩnh thị trường?

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty BHD không giấu, mong muốn “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” phát hành rộng khắp, đơn vị đã đặt vấn đề phát hành tại CGV từ sớm. Sau nhiều lần đàm phán, CGV vẫn giữ tỷ lệ chia doanh thu phòng vé rất thấp so với các phim Việt do CGV phát hành tại BHD Star và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ BHD Star đã ký với Lotte, Galaxy... BHD Star đề xuất tỷ lệ trung bình 50% - 50% là hợp lý cho cả bên chủ phim và chủ rạp, nhưng CGV vẫn không đồng ý. Vì vậy, BHD Star quyết định không phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” tại CGV nữa.
Diễn viên trong bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.
Diễn viên trong bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.
Thực ra, mối quan hệ giữa CGV và BHD nói riêng cũng như các nhà phát hành trong nước nói chung từ lâu đã chẳng “xuôi chèo mát mái”. Hồi tháng 6, BHD và 7 đơn vị khác, gồm: Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers cùng Công ty VAA có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Cụ thể, phim Việt do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn với các phim Việt do DN Việt phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).

Thực tế, CGV đã có công “khai hoang” thị trường phát hành phim tại Việt Nam nên việc đơn vị này sở hữu trong tay hệ thống rạp hoành tráng nhất là điều đương nhiên. Nhiều người cho rằng, CGV vừa là “ông hoàng rạp chiếu” vừa là “bà hoàng phát hành” khi được độc quyền phát hành 90% phim Hollywood và Hàn Quốc ở Việt Nam. Do vậy, dù là phát hành phim hay kinh doanh cụm rạp, CGV đều thắng thế.

Cạnh tranh khốc liệt

Kết quả những vụ kiện tụng thời gian qua cho thấy CGV không sai luật. Tuy nhiên, theo các nhà phát hành trong nước, tỷ lệ chia nhà sản xuất - phát hành phim ở mức 45 - 55 chưa từng xảy ra trên thế giới. Bởi nhà phát hành mất nhiều chi phí sản xuất, quảng bá… nhưng lại thu lợi ít hơn rạp chiếu. Chỉ vì “vị trí thống lĩnh thị trường” của CGV với hơn 40% tổng số rạp nên các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của đơn vị này. Để rồi, người làm nghề nhận thấy nguy cơ CGV ngày càng chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim Hàn Quốc nhiều hơn. Và rất có thể, Tập đoàn CJ CGV sẽ tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt.

Xét ở khía cạnh làm nghề, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được công chiếu rộng rãi giống như một “tai nạn”. Tuy nhiên, xét về kinh tế, trong việc này, CGV cũng mất tiền tỷ vì lượng khán giả đến với “đứa con” của “đả nữ” Ngô Thanh Vân chắc chắn không nhỏ. “Chúng tôi đã đầu tư 22 tỷ đồng tiền túi để làm phim vì đề tài lịch sử không kêu gọi được tài trợ. Do dó, doanh thu phim phụ thuộc hoàn toàn vào phòng vé” - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết. Thật lạ khi BHD không chấp nhận thỏa thuận với CGV. Chắc hẳn đơn vị này rất có niềm tin và đang đặt nhiều hy vọng vào một cái kết cổ tích cho việc phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.

Doanh thu của phim sẽ là đáp án cho câu hỏi: Nội dung hay rạp chiếu nắm giữ thị trường điện ảnh? Nếu đáp án nằm ở bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thì thị trường phát hành phim Việt sẽ có những biến chuyển mới.