70 năm giải phóng Thủ đô

Chợ “cóc” trên phố Trần Quốc Vượng: Thiếu những giải pháp dài hơi

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong vòng nửa tháng, gần 100 trường hợp vi phạm trật tự đô thị trên phố Trần Quốc Vượng đã được Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) lập biên bản xử lý. Nhờ đó, tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị như dư luận phản ánh đã được xử lý. Tuy nhiên, những biện pháp đã và đang triển khai thiếu tính bền vững, nên tái phạm có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

 Các hộ kinh doanh trên đất nông nghiệp dọc đường Trần Quốc Vượng.
Mắc ở dải đất phần trăm

Khoảng 1 giờ 30 phút ngày 9/4, chúng tôi có mặt tại phố Trần Quốc Vượng – “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi họp chợ trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu. Tại thời điểm đó, nếu không được giới thiệu trước, có lẽ chẳng ai có thể hình dung đây là một điểm nóng về tình trạng họp chợ sai quy định.
Theo thống kê của Công an phường Dịch Vọng Hậu, từ ngày 15 – 30/3, đã có 71 trường hợp vi phạm trật tự đô thị bị lập biên bản xử lý, phạt tiền gần 22 triệu đồng. Trong đó, 69 trường hợp dừng đỗ sai quy định, bày bán hàng hóa sai nơi quy định, 4 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, bắt đầu khoảng 3 giờ sáng, từ phố Phạm Hùng, từng đoàn xe thồ, xe ba bánh, xe ô tô… nối đuôi nhau đưa hàng hóa vào phố Trần Quốc Vượng – một cảnh tượng đặc trưng của khu chợ đầu mối ngày càng rõ nét. Những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xuất hiện ngày càng nhiều theo thời gian. Chia sẻ với chúng tôi, một chiến sỹ Công an phường Dịch Vọng Hậu đang làm nhiệm vụ trên phố Trần Quốc Vượng cho biết, đối với những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh công an phường sẽ kiên quyết xử lý theo quy định. Tuy nhiên, để lách luật, nhiều hộ đã cải tạo, tôn tạo phần đất phần trăm giáp với tường rào dự án tòa nhà VNPT để làm nơi họp chợ khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Bà Đỗ Thị Tiêu (nhà 104, phố Trần Quốc Vượng), một trong những người kinh doanh tại phố Trần Quốc Vượng chia sẻ, khi chợ nông sản Dịch Vọng Hậu bị giải tỏa, các tiểu thương không có nơi kinh doanh, vì mưu sinh nên buộc phải “bán mặt” ra đường. Cũng theo bà Tiêu, tại dải đất phần trăm hiện có 30 gian hàng hoạt động từ gần 3 giờ sáng đến khoảng gần 7 giờ sáng hàng ngày. “Khu vực này cách khá xa khu dân cư, sau mỗi buổi chợ chúng tôi đều đóng góp tiền (10.000 đồng/gian - PV) để thuê công nhân vệ sinh môi trường dọn dẹp. Do đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh” – bà Tiêu chia sẻ.

Đồng bộ các giải pháp

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Viết Minh – Phó trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu cho biết, sau khi chợ nông sản Dịch Vọng Hậu bị giải tỏa, các hộ kinh doanh không có nơi bán hàng nên đã chuyển ra kinh doanh tại phần đất nông nghiệp, lòng đường, vỉa hè phố Trần Quốc Vượng. Để xử lý, hàng ngày, công an phường đã lập chốt từ 2 giờ đêm đến 7 giờ sáng, cấm các hộ kinh doanh đưa hàng hóa vào phố lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý chỉ có thể áp dụng đối với các hộ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, còn tình trạng tập kết hàng hóa trên dải đất nông nghiệp đã giao cho các hộ dân là điều rất khó khăn vì vượt quá thẩm quyền của lực lượng công an phường.

Trước thực trạng trên, UBND phường Dịch Vọng Hậu đã có văn bản đề nghị UBND quận Cầu Giấy hỗ trợ kinh phí và lực lượng để tổ chức rào tôn cao 3m đối với dải đất nông nghiệp kẹt và một phần nửa vỉa hè dọc theo tuyến đường Trần Quốc Vượng với chiều dài 185m. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cho rằng, để rào tôn lại khu vực đất phần trăm xen kẹt, hiện vẫn thuộc quyền sở hữu tạm của người dân là không đơn giản. Bởi, nó liên quan rất nhiều đến quyền lợi, lợi ích của các hộ kinh doanh, đặc biệt sau khi chợ nông sản Dịch Vọng Hậu đã bị giải tỏa, Do đó, để khắc phục tình trạng này, các đơn vị chức năng nên xem xét, sắp xếp các hộ kinh doanh vào những địa điểm mới để đảm bảo trật tự đô thị, cuộc sống của người dân.