Nhưng, nhiều gia đình không bỏ công tìm hiểu năng lực, sở trường của trẻ, lại chạy theo "mốt" nên việc học các môn nghệ thuật... cũng gây ra những chuyện "dở khóc, dở cười".
Ai cũng phải có năng khiếu?
Câu hỏi được rất nhiều bậc cha mẹ có con tuổi tiểu học hỏi nhau "đã cho con đi học năng khiếu ở đâu chưa?". Và câu trả lời là ai cũng phải cho con đi học năng khiếu, dù không cần biết đó có thực sự là năng khiếu của con em mình không. Rất nhiều bậc phụ huynh đã cảm thấy thất vọng khi không nhận thấy con mình biểu hiện một năng khiếu nào đặc biệt. Không ít cha mẹ lại quá kỳ vọng vào khả năng của con cái khi thấy con có những biểu hiện nổi trội hơn trẻ cùng trang lứa ở một khía cạnh nào đó, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều bậc phụ huynh thì nghĩ rằng con mình có khả năng âm nhạc "xuất chúng" chỉ vì thấy bé thích hát hò và nhảy nhót khi tuổi còn nhỏ. Bên cạnh đó, rất nhiều bậc phụ huynh lại gò ép con mình theo một môn nghệ thuật nào đó khiến trẻ chán nản, ảnh hưởng tới mối quan hệ với cha mẹ.
Nhìn vào thời khóa biểu của nhiều trẻ, ngoài học ở trường, hầu như không có chỗ trống. Xen kẽ với các môn học thêm văn hóa, còn có các buổi học thêm năng khiếu nào là hát, đàn, hội họa... Trong đó không ít bậc cha mẹ lý giải, cũng chẳng thích lắm nhưng cũng phải bắt con học vì đọc báo thấy thông tin là sẽ giúp trẻ thông minh hơn, khả năng tiếp thu trong việc học tốt hơn. Có người nói đùa: Trẻ em bây giờ giỏi thật, "cầm, kỳ, thi, họa" đều phải biết hết. Bản thân các thầy cô giáo dạy năng khiếu cũng cho rằng, không ít phụ huynh đã sai lầm khi muốn con vừa học giỏi văn hóa vừa phải là một tài năng múa, hát… Tuy nhiên, mỗi môn nghệ thuật đều đòi hỏi sự khổ luyện. Bởi vậy, trẻ tuy có năng khiếu cũng vẫn rất cần một ý thức rõ ràng để học, tránh tâm lý chán nản, căng thẳng do bố mẹ bắt ép.
Cần một quá trình khám phá
Ở nước ngoài, bên cạnh giáo dục văn hóa thì các nhà trường cũng rất quan tâm đến những những môn thuộc về năng khiếu như bóng bàn, bóng rổ, piano, violin... Không thể phủ nhận lợi ích của các lớp học năng khiếu, thông qua đó, phụ huynh có thể giúp trẻ có cơ hội bồi dưỡng, phát huy, khám phá khả năng của mình. Như việc tham gia lớp học ca hát, múa, thể dục… có thể giúp trẻ vừa học vừa chơi, vận động cơ thể, rất có lợi cho sức khỏe và tâm lý giúp trẻ tự tin hơn. Tuy nhiên việc học năng khiếu phải dựa trên sở thích, năng khiếu của trẻ. Không nên bắt trẻ học theo kiểu nhồi nhét, học theo sắp đặt của bố mẹ hay học theo phong trào.
Các chuyên gia cho rằng, năng khiếu có rất nhiều loại hình như hội họa, âm nhạc, thẩm mỹ nói chung, thể dục thể thao... nhưng không phải trẻ em nào cũng có sẵn năng khiếu về các lĩnh vực đó. Một nguyên tắc cơ bản đó là, năng khiếu phải trải qua quá trình sự rèn luyện mới phát hiện được. Năng khiếu có thể được bộc lộ ở những thời điểm khác nhau của cuộc sống, có thể từ lúc nhỏ, hay cũng có thể vào lúc đã trưởng thành. Ở độ tuổi từ 5 đến 10, trẻ ham học hỏi và bộc lộ những sở thích riêng. Nếu con tỏ ra say mê một lĩnh vực nào đó, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con tìm hiểu một cách thoải mái và khoa học, không để trẻ có cảm giác nặng nề, học vì bố mẹ. Không nên vì chạy theo bất cứ một lý do nào mà ép con phải có năng khiếu trên lĩnh vực nghệ thuật, hội họa, thể dục thể thao... Việc xác định và phát triển đúng năng khiếu của trẻ sẽ quyết định đến sự thành công của các em trong cuộc sống sau này, nếu phụ huynh có sự định hướng tốt.