Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Chợ đen" vàng miếng ế ẩm

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Những ngày gần đây, giá vàng miếng bán ra ở thị trường chợ đen bất ngờ ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng miếng của ngân hàng, nhưng cảnh mua bán rất ế ẩm.

Người dân mua vàng online và nhận trực tiếp tại Công ty SJC. Ảnh: Hoàng Mai.  
Người dân mua vàng online và nhận trực tiếp tại Công ty SJC. Ảnh: Hoàng Mai.  

Chợ vàng online ế ẩm

Gần nửa tháng qua, tại nhiều hội nhóm trên mạng xã hội như: Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua khâu trung gian; Hội thanh lý vàng; Mua bán giao lưu vàng miếng SJC, 9999… không khí mua bán, trao đổi vàng đã không còn nhộn nhịp, xôm tụ như trước.

Nếu như cách đây khoảng một tháng, chỉ cần một tài khoản rao bán vàng, đưa ra mức giá cao hơn thị trường tới 3-4 triệu đồng/lượng, liền nhận được hàng chục tin nhắn mua và chỉ ít phút sau đã hết hàng. Thế nhưng hiện nay, tràn ngập trên các hội nhóm là lời than thở ế ẩm, cả tuần không bán được lượng vàng nào…

Bất ngờ hơn, giá vàng miếng trên các hội nhóm này đã không còn cao như trước mà đã ngang bằng so với giá vàng miếng của các ngân hàng thương mại nhà nước, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn.

Đơn cử như giá vàng miếng SJC tại ngân hàng có giá bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhiều người rao bán trên mạng xã hội chỉ ở mức 80,9 triệu đồng/lượng, rẻ hơn 100.000 đồng. Thậm chí, có người rao bán vàng miếng SJC với giá 81 triệu đồng/lượng, còn khuyến mãi thêm tờ vé số trúng giải 100.000 đồng…

Mua vàng được nhận ngay sau khi chuyển khoản, không phải chờ đợi hai ngày như mua tại ngân hàng; mua vàng được quà… là những lời “có cánh” chào mời khách mua. Tuy nhiên, lượng tương tác từ các tin nhắn này hầu như rất ít.

“Theo dõi hoạt động từ các hội nhóm trao đổi, mua bán vàng trên mạng từ khi vàng bắt đầu sốt giá, sốt hàng… chưa bao giờ tôi thấy giá vàng ở chợ mạng lại rẻ như hiện tại. Thế nhưng, tôi lại không còn hào hứng mua vàng như cách đây vài tháng nữa”, chị Nguyễn Thu Trang, ngụ quận Tân Phú nói.

Không chỉ người có vàng muốn bán nhưng ế khách mua, mà đội ngũ chuyên xếp hàng thuê, nay là đặt hộ suất vàng online ở ngân hàng cũng “ngồi chơi xơi nước”.

“Trước đây, mỗi suất tôi đặt hộ vàng online ở ngân hàng lấy phí vài ba trăm nghìn đồng, mỗi ngày nhận từ 5 - 7 suất, bỏ túi 2 triệu đồng/ngày là bình thường. Còn giờ, mời gọi cả ngày cũng không có ai nhờ đặt hộ vàng”, Thanh (25 tuổi) chuyên nhận đặt hộ, mua hộ vàng than thở.

Chợ mạng rao giá vàng miếng SJC ngang bằng hoặc thấp hơn giá của ngân hàng. Ảnh: Hoàng Mai.  
Chợ mạng rao giá vàng miếng SJC ngang bằng hoặc thấp hơn giá của ngân hàng. Ảnh: Hoàng Mai.  

Hết “khát” vàng miếng?

Nghịch lý giá vàng miếng SJC tại nhóm bốn ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV và Công ty SJC tăng nhanh nhưng giá ở thị trường chợ đen lại giảm, khiến nhiều người quay lưng với chợ mạng chuyên bán suất mua vàng.

Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, từ tháng 6/2024, nhu cầu người dân khi vàng ở vùng giá từ hơn 90 triệu đồng/lượng xuống còn 77 triệu đồng/lượng do các Ngân hàng thương mại nhà nước bán ra. Do đó, nhiều người dân rất muốn mua vàng để chốt lời, nhưng không dễ để sở hữu vàng miếng SJC. Vì vậy, nhiều người đã tìm đến thị trường chợ đen, các hội nhóm trên mạng để mua vàng miếng SJC. Lúc này, giá chênh lệch giữa thị trường tự do với ngân hàng tới 4-5 triệu đồng/lượng.

Cuối tháng 7 trở lại đây, nhu cầu mua vàng giảm hẳn vì những người muốn mua đã mua đủ. Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường từ cuối tháng 4 đến nay khoảng 300.000 lượng vàng, giúp thị trường đã hết “khát” vàng miếng.

"Bằng chứng là giờ đây, giá vàng ở thị trường tự do chỉ cách giá của các ngân hàng chỉ còn 1 triệu đồng/lượng, nhiều thời điểm còn ngang bằng giá, thậm chí còn rẻ hơn giá ngân hàng nhưng vẫn có rất ít khách muốn mua. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về vàng miếng đã đến mức bão hòa.

Chỉ một số người cần vàng gấp, không thể chờ mua từ ngân hàng mới chấp nhận mức chênh lệch giá đó”, ông Phương nói.

Theo ông Trần Duy Phương, Ngân hàng Nhà nước không nên can thiệp hành chính mãi vào thị trường vàng mà cần để thị trường vàng vận hành theo đúng quy luật của nó.

Ngân hàng Nhà nước nên đứng ở vai trò giám sát, khi thị trường có động thái bất thường thì tham gia điều chỉnh, không nên can thiệp hành chính. 

“Trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định tham gia bình ổn, tôi cho rằng nên mở rộng đối tượng bán vàng. Thay vì chỉ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC như hiện nay, cần có thêm các ngân hàng khác tham gia bán vàng. Những nhà băng này có thể được mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước để bán ra, góp phần đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân”, ông Phương nói.