Chờ đèn…

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người tham gia giao thông, chờ đèn tại các ngã ba, ngã tư là chuyện thường mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, điều này hẳn chả có gì đáng nói. Nhưng dưới mắt tôi, vẫn thấp thoáng đâu đó cái không ổn của cuộc sống hôm nay…

Chả hiểu tự lúc nào người dân Thủ đô có câu cửa miệng: Hà Nội không vội được đâu; kèm với đó là “thành ngữ”: Muốn nhanh thì phải… từ từ. Và không hiểu 30, 40, rồi 50 năm nữa thì sao; nhưng với điều kiện hạ tầng và mật độ phương tiện giao thông bây giờ, những câu nói của “các cụ thời nay” nghe ra vẫn đúng!

Khoan hãy nói đến chật chội, đông đúc (nhiều lúc là hỗn loạn) của thực tế giao thông lúc này, xin đề cập cái đang diễn ra trong vài chục giây (chờ đèn tín hiệu) ở những nút giao thông trong giờ cao điểm. Xanh - tiến, vàng - chuẩn bị, đỏ - dừng, vốn là quy tắc của đèn tín hiệu giao thông, cái này mỗi lần bước chân ra phố, ai cũng phải nằm lòng. Ấy thế nhưng có không ít kẻ lại bất chấp, còn vài giây (đèn xanh) cũng cắm đầu “vít” ga; chưa hết (đèn vàng) là cắm đầu thục mạng.

Thế nên va chạm xảy ra như cơm bữa, nhẹ thì trầy da, nặng - rất khó lường. Mà kể cũng lạ, trong thời buổi thái bình, nhưng cách hành xử của người với người hiện nay rất chi là… hổ báo. Va chạm trong giao thông là điều chẳng ai mong muốn; ấy thế nhưng trong 10 vụ thì có đến 6, 7 vụ (thay vì thương lượng một cách có văn hóa), người ta thường “nói chuyện” với nhau bằng chân tay. Câu nói tự ngàn xưa “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, hầu như ai cũng nằm lòng, nhưng chẳng thấy mấy kẻ áp dụng.

Những lúc như vậy, người can gián thì ít, kẻ hóng hớt thì nhiều và những clip xuất hiện tức thì. Rồi cư dân mạng nhảy xổ vào bình loạn, 9 người - 10 ý, tranh cãi như mổ bò. Và những tình huống va chạm giao thông, thường rất “hút khách” trên mạng xã hội (có lẽ chỉ sau những màn đánh ghen)!

Những lúc chờ đèn, người tham gia giao thông Thủ đô luôn được lắng nghe ca khúc “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bằng ca từ hết sức mộc mạc, nhạc sĩ “quốc dân” của chúng ta đã vẽ bức tranh về giao thông của Hà Nội (cách nay mấy chục năm), thời cả nước cùng chung sức chống Mỹ, rằng: “Đường phố của ta vẫn đang còn hẹp/ Nhường bước cho nhau, đi xa cũng gần…”. Nay cái nhường nhịn, cái thân ái trong văn hóa giao thông biến đi đâu rồi nhỉ?!

Trên thực tế, nếu không phải chen lấn, người tham gia giao thông cũng luôn bị quấy rầy bởi người bán hàng rong (rất hồn nhiên gõ kính xe) mà mè nheo người đi đường mua ba thứ như tăm bông, bút bi, móc khóa… Không mua cũng tội, mà dừng xe vài giây là ùn ứ, chưa nói đến việc thì xe phía sau “thúc còi” inh ỏi…

Nói như vậy không phải bức tranh “chờ đèn” chỉ toàn màu xám. Tại không ít nút giao thông, người ta vẫn thấy nhiều hình ảnh đáng yêu; đó có thể là những chị lao công mải mê quét rác, những chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ an ninh... đang tận tụy vì công việc.

Thôi, dẫu “đường phố của ta vẫn đang còn hẹp”, và cuộc sống còn nhiều sự ngổn ngang, nhưng vẫn còn đó bao người (bằng cách nay hay cách khác), hàng giờ vẫn đem lại cho chúng ta sự bình yên, đem đến những nét đẹp hồn hậu thì thiết nghĩ chúng ta cũng nên gạt bỏ những điều chưa ưng ý. Mỗi sáng thức dậy, cuộc sống vẫn về trên những con đường trong lòng TP thân yêu….

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần