Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chờ đợi chính sách tín dụng cởi mở

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm lãi suất, nới room tín dụng…, tuy nhiên tỷ lệ DN thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vẫn rất cao. Vấn đề hiện nay là chính sách tín dụng cần cởi mở hơn để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của DN.


Khi đó, việc giảm lãi suất của các ngân hàng mới có thể phát huy hiệu quả thực sự. Đây là chia sẻ của TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) với Báo Kinh tế & Đô thị.

TS Tô Hoài Nam
TS Tô Hoài Nam

Ngân hàng nên “dễ tính” hơn

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách tín dụng tích cực như giảm lãi suất, nới room tín dụng… nhằm hỗ trợ DN có thêm điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa, tác động của những chính sách này tới cộng đồng DN?

- DN đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn cùng một lúc, như khó khăn về thiếu hụt đơn hàng, tiếp cận vốn vay, thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật; nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Trong đó, thiếu vốn vẫn là bài toán nan giải nhất với DN giai đoạn này.

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo cụ thể về việc này, tăng cường khả năng cấp vốn cho thị trường, với các động thái tích cực như nới room tín dụng, 4 lần giảm lãi suất liên tiếp… Qua đó, đã cho những tín hiệu khá tích cực, nhiều DN tiếp cận được vốn có thêm điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, vào tháng 5/2023 có tới gần 80% DN cho biết đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn, thì đến tháng 6/2023 tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 70%. Mặc dù tỷ lệ giảm không đáng kể, tuy nhiên, qua đó cũng một phần cho thấy tác động tích cực từ các chính sách về tín dụng của Chính phủ, cũng như Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, con số hơn 70% DN vẫn đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn là rất lớn. Thực tế, việc tiếp cận vốn của DN vẫn đang rất khó khăn, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể về việc này, mở ra thoáng hơn để các DN có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước vừa phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng, tổng room hệ thống 14%. Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng vốn lớn được bơm ra nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, liệu DN có hấp thụ được một lượng vốn lớn như thế không, thưa ông?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng là rất tích cực, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn, thúc đẩy khả năng cấp vốn cho DN.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay chuẩn tín dụng rất cao, gây khó với DN tiếp cận vốn, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Muốn DN tiếp cận được vốn, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ khó tiếp cận?

Thực tế, việc giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa rất lớn đối với các DN lớn, có giá trị khoản vay cao. Còn đối với DN nhỏ và vừa thì họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện vay vốn, hơn là việc lãi suất giảm hay không giảm.

Mặc dù các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhưng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hay theo các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, bảo đảm an toàn cho ngân hàng cũng như toàn hệ thống.

Hiện nay trên thị trường có 3 nhóm DN khó tiếp cận vốn tín dụng. Nhóm thứ nhất, là nhóm các DN không đáp ứng được các điều kiện tổ chức tín dụng đưa ra.

Trong thời điểm hiện nay, DN đang phục hồi sau mấy năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, nguồn vốn dự trữ hao mòn đi, nên nhu cầu vốn lớn hơn. Vì vậy, thường DN không đáp ứng được điều kiện tổ chức tín dụng đưa ra. Với nhóm đối tượng này, họ quan tâm nhiều hơn tới điều kiện được vay vốn, rồi mới tới chuyện giảm lãi suất. Nhóm DN này có tỷ lệ rất cao.

Nhóm thứ 2, DN vay vốn bằng phương án sản xuất, kinh doanh, có nghĩa là tín chấp. Trong khi, phía ngân hàng thương mại rất ít có khả năng đánh giá một phương án kinh doanh nào đó khả thi, DN kinh doanh có khả thi không. Trong khi, về phía DN nhỏ và vừa lại gặp thách thức về khả năng minh bạch dòng tiền, hệ thống tài chính, kế toán theo quy định… Đối với nhóm này, cả 2 bên cần phải cùng cố gắng.

Nhóm khó khăn thứ 3 là, khi đàm phán đánh giá tài sản, ngân hàng luôn ở thế thượng phong đối với DN. Do đó, khi đàm phán đánh giá tài sản bảo đảm luôn thấp hơn so với thực tế. Ví dụ tài sản được 10 tỷ nhưng ngân hàng đánh giá chỉ được 7 tỷ và cho vay 70% trên số tài sản đã định giá. Do đó, DN cũng đề nghị cho phép nới tỷ lệ cho vay.

Đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo nới lỏng tiền tệ trong khuôn khổ, giảm lãi suất. Với chỉ đạo này, DN kỳ vọng thế nào, thưa ông?

- Rõ ràng chỉ đạo này vừa mang tính chiến lược, nhưng vừa có đáp số ngay. Nếu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, DN sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn, giúp DN củng cố sản xuất kinh doanh, giúp DN thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Với những DN có tín hiệu kinh doanh tích cực, DN sản xuất, chế tạo, xuất khẩu… thì việc giảm lãi suất rất có ý nghĩa vì chi phí tài chính thấp đi, tăng sức cạnh tranh, động lực kinh doanh, giảm chi phí.

 

Về mặt nguyên lý, khi bơm một lượng tiền lớn ra sẽ tác động đến thị trường ngay lập tức, khả năng cao gây ra lạm phát. Vì vậy, khi cho vay cần phải chọn được lĩnh vực kinh doanh phù hợp như các đối tượng tạo ra của cải vật chất, sản xuất, kinh doanh, chế biến chế tạo, xuất khẩu… Khi đó tiền sẽ tạo nên hàng hóa, cân đối được tiền và hàng.
Mặc dù các ngân hàng đưa ra những chương trình ưu đãi lãi suất nhưng không được phép hạ chuẩn tín dụng. Điều này dẫn đến các DN trước đây chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì nay, dù ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi cũng vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn vay.
TS Tô Hoài Nam

 

Còn với DN chưa tiếp cận được vốn thì giảm lãi suất không có ý nghĩa nhiều với họ. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi đó thì việc giảm lãi suất hay nới room tín dụng của các ngân hàng mới có thể phát huy được hiệu quả thực sự trong việc giúp DN tiếp cận vốn.

Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác. Cùng với đó, cần tạo thuận lợi từ chính sách thuế thông quan giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa. Từ đó mới có thể tạo cú hích tốt hơn cho DN trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bản thân DN cần nâng cao giá trị của mình, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa cần nâng cao kỹ năng quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh và biết chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp tín dụng đầy đủ theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng. Chỉ khi DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, biết nhìn nhận lại bản thân, tự biến mình trở thành khách hàng tiềm năng, thì khi đó chính các ngân hàng sẽ là người chào mời các gói tín dụng ưu đãi cho họ.

Ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, theo ông, DN còn cần thêm những giải pháp hỗ trợ nào khác để “giải cơn khát vốn”?

- Theo quan điểm của tôi, DN Việt Nam hiện có DN lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Mỗi DN mang đặc tính khác nhau từ quy mô, tiềm lực, thị trường, hoạt động... Các DN lại có những nguyên nhân sâu xa khó khăn về mặt chủ quan, ví dụ khả năng minh bạch tài chính, đáp ứng chuẩn tài chính cao, dòng tiền… Để đáp ứng các tiêu chuẩn này không phải ngày một ngày hai, phải có một quá trình nhất định.

Chính vì vậy, theo tôi, tổ chức tín dụng ngoài trách nhiệm cung ứng tiền cho nền kinh tế còn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh tiền tệ, bảo toàn vốn. Tuy nhiên, về mặt sâu xa ngoài tiếp vốn từ tổ chức tín dụng cần có kênh tiếp vốn từ các kênh khác nữa.

Nếu chỉ trông chờ vào kênh ngân hàng thì sẽ làm khó cho cả phía ngân hàng và DN. Theo đó, có thể huy động vốn từ các quỹ hỗ trợ, quỹ tín dụng ở địa phương. Ngoài ra, khuyến khích các quỹ đầu tư tư nhân, mạo hiểm vào đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, mới bảo đảm phù hợp với thực lực của DN nhỏ và vừa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!