Ca trù từ sức trẻ
Liên hoan Ca trù được tổ chức theo hình thức thi tài. Ban Tổ chức (BTC) đánh giá các màn trình diễn dựa trên năm tiêu chí: Không gian ca trù, giọng hát ca trù hay, tay đàn ca trù giỏi, giọng hát ca trù triển vọng và tay đàn ca trù triển vọng. Với mong muốn ca trù có sự truyền nối qua các thế hệ, Liên hoan đã đón nhận gần 300 nghệ sĩ tham gia, hầu hết là nghệ sĩ trẻ, rất ít các nghệ nhân 80 - 90 tuổi. "Các nghệ nhân đã ra đi nhiều nên có thể nói, liên hoan lần này là sự thể hiện nghệ thuật ca trù của lớp trẻ và đội ngũ nghệ nhân kế cận" - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, thành viên BTC cho biết.
Một buổi biểu diễn hát ca trù diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|
Tại Liên hoan Ca trù lần này, mỗi CLB tự xây dựng các chương trình của mình trong 30 phút mà không có sự tham gia của các nhà hoạt động chuyên nghiệp để thể hiện tài năng, khả năng, phẩm chất nghệ thuật của mỗi CLB. Điều khiến người ta tâm đắc nhất là việc Liên hoan Ca trù năm nay có rất nhiều tác phẩm mới. Những sáng tác mới với nhiều đề tài phong phú sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống bộ môn nghệ thuật ca trù. "Xưa nay, đề tài của ca trù chỉ xoay quanh các vấn đề về nhân tình thế thái, đạo lý, tình duyên… nhưng năm nay đã có những tác phẩm mới sáng tác mang chủ đề thời sự hiện đại: Khẳng định chủ quyền biển đảo, ca ngợi những người lính hải quân và đời sống nông thôn mới…" - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết thêm.
Mặc dù địa điểm diễn ra Liên hoan không nằm tại vị trí trung tâm của TP, mà tổ chức tại Viện Âm nhạc Việt Nam, thuộc địa bàn của khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội; thế nhưng không quản ngại mưa gió, cả người trẻ và người già đã đến để lắng nghe ca trù. Điều đó đã tạo cho không gian biểu diễn ca trù, và hơn hết là niềm hy vọng vào một tương lai, diện mạo mới cho loại hình nghệ thuật này.
Trăm mối lo cho di sản
Liên hoan Ca trù 2014 không phải là lần đầu tạo cho người yêu di sản những kỳ vọng. Hẳn giới làm nghề vẫn còn nhớ Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2012. Trước liên hoan, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng chờ đợi rất nhiều về một lần ra quân, tổng kết nỗ lực bảo vệ ca trù suốt 3 năm sau khi UNESCO công nhận để hy vọng ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Và rồi, BTC cũng dành không ít lời ca ngợi cho một liên hoan thể hiện rõ di sản đã được cộng đồng quan tâm, phong trào học và gìn giữ ca trù đã phát triển ở nhiều địa phương. Thế nhưng, chỉ có các nghệ nhân am hiểu ca trù mới biết, còn đó trăm mối lo lắng cho di sản. Nhiều nghệ nhân đến nghe các CLB trình diễn đã phải lắc đầu bỏ về giữa cuộc vì thấy lớp trẻ đã cách điệu và phá ca trù. Người hát ca trù như hát chèo, hát quan họ giữa sân khấu của Liên hoan Ca trù toàn quốc. Nhiều người đặt câu hỏi, phổ cập ca trù như cách hiện nay có phải là biện pháp sai lầm trong quá trình bảo vệ di sản? Bởi vì, số người hát ca trù, học ca trù tăng lên không đồng nghĩa với việc di sản được gìn giữ đúng hướng.
Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 lại một lần nữa cộng thêm vào giấc mơ xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO xin chuyển đổi tên gọi cụm từ "cần được bảo vệ khẩn cấp" sang "đại diện của nhân loại". Thế nhưng, con số 200 nghệ nhân trẻ cùng đội ngũ hát ca trù trẻ từ 15 - 50 tuổi xuất hiện tại Liên hoan vẫn chưa thể nói lên được điều gì. Việc bảo vệ di sản còn phụ thuộc vào chế độ đãi ngộ nghệ nhân, gìn giữ không gian biểu diễn, cơ chế biểu diễn ca trù bài bản... Thế mới thấy, việc bảo vệ di sản không phải là những bài toán có sẵn và dễ giải.