95 năm ngày thành lập đảng

Chờ đợi sự bứt phá của thể thao Hà Nội

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2025, ngành thể thao Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững vai trò trụ cột của thể thao Việt Nam, đồng thời phấn đấu bứt phá giành nhiều HCV tại SEA Games 33 và xa hơn là thành tích tốt tại Asiad 2026, Olympic 2028.

Sự nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ, bài bản

Nhìn lại năm 2024, thể thao thành tích cao Hà Nội có được thành công mang tính vượt trội. Các vận động viên (VĐV) của Hà Nội đều đạt chỉ tiêu về số huy chương. Cụ thể, tại các giải trong nước, VĐV Hà Nội giành 1.127 HCV, 904 HCB và 983 HCĐ; số huy chương tại các giải quốc tế là 128 HCV, 91 HCB và 96 HCĐ.

Trong đó, một số môn thể thao Hà Nội đóng vai trò nòng cốt của đội tuyển quốc gia, giành ngôi Nhất toàn đoàn tại các giải vô địch, vô địch trẻ quốc gia như: bắn súng, bắn cung, wushu, kiếm, vật, cầu mây...

Thể thao Hà Nội “đi tắt, đón đầu”, có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản. Ảnh: Bùi Lượng
Thể thao Hà Nội “đi tắt, đón đầu”, có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản. Ảnh: Bùi Lượng

Cũng theo chỉ tiêu ở đấu trường quốc tế, các VĐV Hà Nội trong màu áo đội tuyển quốc gia tiếp tục góp công lớn vào thành tích chung của thể thao nước nhà. Cụ thể, tại Olympic 2024, thể thao Hà Nội có 2 VĐV vượt qua vòng loại Olympic 2024 là Hà Thị Linh (boxing nữ) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Trong đó, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt có lần thứ 2 giành suất tham dự Olympic. Ngoài ra, thể thao Hà Nội còn có 10 VĐV đóng góp vào chức vô địch của tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024. Thành tích của thể thao Hà Nội là kết quả của sự cố gắng không biết mệt mỏi của VĐV và cũng là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ, bài bản của ngành thể thao Thủ đô.

“Hà Nội luôn là trụ cột vững chắc của nền thể thao quốc gia, là do nhà quản lý thể thao Hà Nội đã có tầm nhìn xa. Ngay từ những năm 1990, Hà Nội tập trung xây dựng lực lượng thể thao hiện đại, tinh nhuệ, tăng cường đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở trong nước và nước ngoài; thuê chuyên gia giỏi, bảo đảm công tác tuyển chọn, đào tạo được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao, bảo đảm điều kiện đăng cai các đại hội thể thao quốc tế lớn" - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Hoàng Trung Kiên cho biết.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn đầu tư phát triển đồng đều các môn thể thao, như điền kinh, bóng bàn, bóng đá, bắn súng, bắn cung, vật, thể dục dụng cụ, bơi, nhảy cầu, lặn, wushu, karate, cờ vua, cờ tướng, pencak silat, khiêu vũ thể thao, cử tạ.... Trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho các môn thể thao có trong chương trình thi đấu tại Asiad, Olympic. 

Tạo bước đột phá lớn về chế độ đãi ngộ

Trước khi chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền thể thao Việt Nam, thể thao Hà Nội nhiều năm liền xếp sau TP Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu. Trải qua thời gian với chiến lược bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giúp Hà Nội đứng vững với vị thế đi đầu trong cả nước.

Thành quả của chiến lược này là Hà Nội đã vươn mình trở thành cái nôi đào tạo, huấn luyện thể thao số một cả nước, luôn là điểm tựa vững chắc của thể thao Việt Nam trên các đấu trường khu vực và quốc tế. 

Thể thao Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu của cả nước. Ảnh: Ngọc Tú
Thể thao Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu của cả nước. Ảnh: Ngọc Tú

Năm 2025, thể thao Hà Nội tập trung đầu tư cho các VĐV ở những môn, nội dung trọng điểm như đấu kiếm, bắn cung, boxing, cử tạ, thể dục dụng cụ, wushu hay taekwondo…. Theo đó, ngành thể thao Thủ đô tạo điều kiện tối đa trong tập luyện, giúp các VĐV nâng cao thành tích, tiếp tục đóng góp tích cực vào thành tích chung của thể thao Việt Nam tại SEA Games 33 - năm 2025, xa hơn là Asiad 20 tổ chức năm 2026 và giành vé dự Olympic 2028.

Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thể thao Hà Nội lại vào guồng quay huấn luyện mới. Không chỉ hàng trăm VĐV ở hàng chục bộ môn được chọn vào các đội tuyển quốc gia, mà còn có hàng nghìn VĐV khác đang nỗ lực tập luyện để có thể đạt thành tích tốt khi thi đấu, được gọi vào đội tuyển quốc gia.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, dù còn nhiều khó khăn về kinh phí nhưng thể thao Hà Nội vẫn giữ được thành tích tốt nhờ sự quan tâm, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp theo định hướng xuyên suốt trong nhiều năm qua của Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội về phát triển thể thao Thủ đô.

Đặc biệt, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của TP Hà Nội. Quy định này được áp dụng từ đầu năm 2024, là bước đột phá lớn về chế độ đãi ngộ đối với VĐV, HLV Thủ đô. Đây thực sự là một điểm tựa giúp thể thao Hà Nội khẳng định vị thế và bứt phá mạnh mẽ hơn, chinh phục thành công những đỉnh cao mới.