70 năm giải phóng Thủ đô

Chờ “đòn bẩy” từ cơ chế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi những điểm yếu cố hữu chưa khắc phục được thì chi phí đầu vào tăng cao, thị trường nhiều bất ổn làm đội giá thành sản phẩm, sức mua trên thị trường trong và ngoài nước giảm mạnh... tiếp tục là những thách thức mới đặt ra cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất làng nghề Hà Nội.

Đông nhưng vẫn yếu

Theo đại diện Sở Công Thương cho biết, trong 1.350 làng có nghề, đến nay đã có 277 làng nghề được công nhận theo tiêu chí (trong đó có 244 làng nghề truyền thống). Nhiều thành phần kinh tế làng nghề như hộ sản xuất, công ty cổ phần, DN tư nhân... đã thu hút hơn 620.000 lao động, chiếm trên 40% số lao động sản xuất công nghiệp (CN) - tiểu thủ CN toàn TP. Chính sách hỗ trợ phát triển CN nông thôn đã góp phần làm mạnh lên nhiều nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) như: Gốm sứ, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan...

Tuy nhiên, bên cạnh sự đóng góp không nhỏ của các làng nghê, trong phát triển kinh tế nông thôn, thì những yếu kém của khu vực kinh tế này ngày càng lộ rõ. Đó là phát triển tự phát, thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống xử lý nước thải, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nơi khác, thị trường tiêu thụ bó hẹp, mẫu sản phẩm đơn điệu và chưa có thương hiệu, nhãn mác. Trong khi đó, tiến độ triển khai cụm sản xuất làng nghề còn chậm. Môi trường một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân và cảnh quan làng nghề.

Song song với những hạn chế trên, khó khăn của nền kinh tế từ năm 2011 đến nay càng làm cho nhiều làng nghề điêu đứng. Đại diện Hội khảm trai Chương Mỹ phản ánh, chi phí đầu vào tăng cao và biến động mạnh khiến giá thành tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Khủng hoảng kinh tế thế giới làm giảm sâu sức mua trên thị trường trong nước và thế giới, dẫn đến lượng sản phẩm và nguyên liệu tồn kho tăng cao. Lãi suất cho vay cao, DN không đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng, hàng hóa tồn kho cũng không được chấp nhận làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, kỹ năng thiết kế mẫu và khả năng nắm bắt thông tin thị trường yếu khiến các cơ sở làng nghề luôn chịu thua thiệt trên thương trường…

Gắn bảo tồn với đa dạng hóa dịch vụ làng nghề

Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là đa số DN, cơ sở sản xuất chưa đổi mới tư duy làm ăn, điển hình là chưa đầu tư thích đáng cho thiết kế mẫu, nâng cao kỹ năng quản lý, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh và chưa quan tâm đầu tư cho thương hiệu làng nghề hoặc thương hiệu sản phẩm. Cũng có không ít làng nghề chưa chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm...

Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng triển khai chương trình phát triển CN nông thôn, đẩy mạnh công tác khuyến nông ở tầm quốc gia và cả địa phương. Để giải quyết hàng tồn, cần tổ chức các hội nghị giao thương cấp tỉnh và hỗ trợ kinh phí cho DN làng nghề mở rộng thị trường, định kỳ tổ chức các phiên chợ làng nghề, hội chợ xuân. TP nên có cơ chế khuyến khích các cơ sở sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là những sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của DN khác. Về lâu dài, đại diện Hiệp hội TCMN làng nghề Hà Nội kiến nghị UBND TP quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho những làng nghề có đủ điều kiện phát triển du lịch, gắn với các tour, tuyến du lịch danh thắng lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng... giúp người dân trong các làng nghề nâng cao thu nhập. Đặc biệt, TP cũng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng những nghệ nhân sáng tạo mẫu, các chuyên gia TCMN và nhà tư vấn thiết kế uy tín tổ chức những cuộc thi thiết kế mẫu, giúp đa dạng hóa sản phẩm TCMN làm quà tặng du lịch và cung cấp cho XK. Hà Nội nên hình thành trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu sản phẩm làng nghề, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đi đôi với bảo tồn một số "bí quyết công nghệ", đồng thời khuyến khích DN làm sản phẩm cao cấp mang tính nghệ thuật…