KTĐT - Đã hơn 3 tháng, chợ Hàng Bè được giải tỏa để đảm bảo TTGT-ĐT, góp thêm diện mạo khang trang cho Thủ đô nghìn năm tuổi. Thế nhưng, hậu giải tỏa chợ mới là điều đáng bàn. Nhiều hộ kinh doanh vẫn tranh thủ về hoạt động trên nền chợ cũ; còn chợ mới, theo kế hoạch được xây dựng ở phường Chương Dương, đến giờ vẫn đang là… điểm trông giữ xe.
Một chủ trương đúng đắn
Việc di dời chợ Hàng Bè (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) được tiến hành vào ngày 31-7 vừa qua. Có thể thấy, chủ trương này là đúng đắn và cần thiết, bởi góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, phòng ngừa hỏa hoạn, giao thông… của chợ nhiều năm nay bộc lộ bất cập. Còn nhớ, ngày 18-6, quận Hoàn Kiếm mời gần 20 hộ kinh doanh, đại diện cho các hộ kinh doanh ở chợ Hàng Bè họp để thông báo sẽ giải tỏa chợ vào trung tuần tháng 7. Ngày 29-6, UBND quận Hoàn Kiếm ra thông báo về chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Bè khi di chuyển ra chợ tạm Phùng Hưng và tái bố trí kinh doanh tại chợ mới ở phường Chương Dương sau khi xây dựng xong.
Khu vực xây chợ Hàng Bè mới giờ vẫn đang là điểm trông xe ô tô |
Tại chợ tạm Phùng Hưng, các hộ sẽ kinh doanh trên vỉa hè tuyến phố Phùng Hưng và lòng đường Lê Văn Linh. Còn công trình chợ mới tại số 2 Vọng Hà, dự kiến được xây dựng trên diện tích 1.136,4m2 với quy mô 3 tầng, diện tích thiết kế sạp hàng khoảng 3-5m2/sạp. Tầng 1 của chợ sẽ phục vụ việc thoát lũ, thoát nước, giao thông tĩnh và sắp xếp khoảng 120 hộ kinh doanh ngành hàng ướt. Tầng 2 sắp xếp khoảng 120 hộ kinh doanh ngành hàng khô, thức ăn chín. Tầng 3 bố trí trụ sở làm việc của BQL chợ. Các hộ kinh doanh được tham gia gắp thăm theo từng ngành hàng để nhận địa điểm kinh doanh tại chợ mới theo phương án sắp xếp do UBND quận phê duyệt dự kiến vào cuối tháng 12-2010. Và ngày 31-7, chợ Hàng Bè chính thức bị giải tỏa
Xa xăm chợ mới
3 tháng sau khi di chuyển, một phần của chợ Hàng Bè đã “tái xuất”. Tìm đến khu vực nền chợ cũ là các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Đất những ngày này, không khó bắt gặp cảnh mua bán trên vỉa hè và dưới lòng đường. Các mặt hàng “tái xuất” nhiều nhất là thịt bò, lợn, gia cầm. Số này hình thành từ đầu phố Gia Ngư (đoạn nối từ phố Hàng Bạc). Theo phản ánh của người dân sở tại, những hộ này chưa một ngày rời nền chợ Hàng Bè. Ban đầu họ tìm cách thuê lại các nhà mặt phố. Dần dần, họ lấn ra vỉa hè. Không chịu kém cánh thực phẩm là những người bán hàng rong. Số này ngồi bày bán công khai, ngay dưới lòng đường. Đầu phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc lắp một tấm biển nội dung cấm họp chợ, cấm vứt rác. Thế nhưng, kẻ bán người mua vẫn vô tư họp… quanh biển cấm. Trước biểu hiện này, đầu tháng 11, phường sở tại đã tổ chức lực lượng đẩy đuổi, xử lý các trường hợp kinh doanh dưới lòng đường, trên vỉa hè. Chợ “quang” được vài ngày, nhưng như một công dân ở phố Gia Ngư khẳng định, “vài bữa nữa chúng tôi bước ra cửa thế nào cũng gặp lại hàng rong!”.
Bán hàng trên nền chợ Hàng Bè cũ |
Lực lượng mỏng là một trong những lý do mà phường sở tại đưa ra để giải thích về tình trạng tái phát chợ Hàng Bè. Để tái diễn kinh doanh ở chợ Hàng Bè là trách nhiệm của phường sở tại. Song khách quan cũng phải đề cập đến trách nhiệm của quận Hoàn Kiếm. Công tác di chuyển chợ được tiến hành rầm rộ cùng với những cam kết, nhưng việc xây chợ mới lại có phần chậm trễ. Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên ANTĐ tìm đến khu đất được thành phố phê duyệt xây dựng chợ Hàng Bè mới ở số 2, phố Vọng Hà, phường Chương Dương, nhưng chỉ thấy nơi đây vẫn là bãi đất trống, đã được đổ nền xi măng để kinh doanh trông giữ xe ô tô. Anh “xe ôm” đầu ngõ chỉ tay: “Chỉ thấy nói xây chợ mới, nhưng giờ đã thấy chợ búa gì đâu…”.