Công chúng đang mong chờ tour kết nối bảo tàng dưới tầng hầm với những giá trị mỹ thuật đương đại được chính thức mở cửa.
Kho báu nghệ thuậtTừ năm 2016, ngay sau khi Bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được khai trương, công chúng đã trông chờ những tour du lịch được mở rộng đến từng đối tượng. Bởi vì, bảo tàng mãn nhãn người xem không chỉ ở số lượng hiện vật hấp dẫn, kể tổng thể câu chuyện lịch sử Việt Nam hàng chục thế kỷ, mà theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng, đây còn là bảo tàng đạt chuẩn quốc tế. Ngay sau khi khai trương, các cơ quan quản lý đã tính đến phương án mở tour tham quan cho du khách. Tuy nhiên, vì vấn đề an ninh, an toàn của các kỳ họp Quốc hội, nên tour chưa được mở rộng.
Cuối tháng 11/2018, cụm tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam được trưng bày ở đường hầm chính, đường hầm lớn và đường hầm nhỏ của Nhà Quốc hội được xem là công trình văn hóa tiêu biểu, hài hòa với một tòa nhà là đại diện quyền lực của Nhân dân. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, chưa có một nơi nào biến các đường dẫn ra chỗ để ô tô, xe máy lại được trưng bày nghệ thuật như ở Nhà Quốc hội. 3 tháng dày công, của 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật thực hiện dự án này đã một lần nữa làm ngỡ ngàng công chúng yêu nghệ thuật.
"Ở Australia, chính quyền rất cởi mở mở cửa Nhà Quốc hội để đến khách tham quan. Thời gian học tập tại đây, tôi thường xuyên tới đây để học tiếng Anh. Nhà Quốc hội là chỗ cho mọi người đến tham quan, thậm chí được dự cuộc họp giữa Thủ tướng và các thượng nghị sĩ. Sau đó, giáo viên còn kiểm tra chúng tôi hiểu được bao nhiêu nội dung cuộc họp ấy." - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam |
Cụm tác phẩm ở hai hành lang đường hầm Nhà Quốc hội là những cuộc đối thoại liên tiếp với di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Những câu chuyện của những thời đại khác nhau được lựa chọn khá đa dạng. Ở đó có thể là huyền thoại về dân tộc Việt qua hình tượng trăm trứng; là chiến thắng Đại Việt trong Hội nghị Diên Hồng; hoặc có thể tái hiện điện Kính Thiên - nơi thiết triều bàn quốc gia đại sự; hoặc các thông điệp cảnh tỉnh về khả năng tồn tại mong manh của di tích lịch sử trước tốc độ phát triển hôm nay qua bức vẽ các công trình kiến trúc tiêu biểu là chùa Báo Ân (Hà Nội), điện Cần Chánh (Huế), thương xá Tax (TP Hồ Chí Minh)… Các bức vẽ này được làm theo đơn đặt hàng để kết nối không gian giữa hai tầng hầm hiện đang là bảo tàng “Những phát hiện khảo cổ dưới lòng Nhà Quốc hội”.
Tuy nhiên, giống như Bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, hiện nay có số ít các chuyên gia, các bộ phận liên quan đến công việc ở Nhà Quốc hội như: Đại biểu Quốc hội, hoặc các đoàn khách quốc tế, mới có cơ hội chiêm ngưỡng các kho báu nghệ thuật này.
Cởi mở để mở cửaCâu chuyện mở cửa tham quan các công trình Nhà Quốc hội từ lâu được mang ra bàn thảo với nhiều ý kiến khác nhau, phần lớn hướng tới tư duy tích cực cho rằng “đã là bảo tàng thì nên mở cửa đón công chúng” - PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam bày tỏ.
Mở cửa khu trưng bày cho đông đảo du khách đến thăm khu hành chính quyền lực nhất của một quốc gia chắc chắn không phải là vấn đề đơn giản. Bởi ngoài vấn đề an ninh, sẽ còn cả mối lo có thành trào lưu thăm Nhà Quốc hội cho những ngày đầu mở cửa. PGS.TS Nguyễn Văn Huy khuyên thời gian đầu các đơn vị quản lý và công ty lữ hành nên bố trí mở tour theo đoàn, không tổ chức theo hình thức mở cửa tự do, để vừa đón khách vừa rút kinh nghiệm. TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản văn hóa Việt Nam lấy ví dụ: “Ở Mỹ, các tòa thị chính, tòa nhà Quốc hội có chương trình mở cửa cho công chúng vào xem. Ở Đức, tòa nhà Quốc hội cũng mở cửa đón Nhân dân. Ở các quốc gia này, trong những ngày nghị viện họp, công chúng vẫn đi tham quan. Vấn đề chính là bố trí như thế nào hợp lý để công chúng tiếp cận”.
Sẽ còn rất nhiều việc phải bàn để chính thức mở tour tham quan tòa Nhà Quốc hội của Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng thay vì việc chờ đợi và bàn lùi, đã đến lúc chúng ta phải cởi mở mở cửa đón công chúng của một công trình vừa mang giá trị văn hóa vừa mang giá trị lịch sử, chính trị này.