Chợ Sắt Hải Phòng: Vì đâu nên nỗi?

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chợ Sắt, cái tên từng một thời thể hiện cho sự sầm uất của thành phố Hải Phòng ngày nay đìu hiu vắng vẻ khi không kịp thích nghi với sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế thị trường.

Thời kỳ bao cấp với địa thế thuận lợi khi nằm sát sông Tam Bạc, chợ Sắt là trung tâm buôn bán lớn nhất miền Bắc. Thời kỳ đó, nền kinh tế gần như trong tình trạng “bế quang tỏa cảng”, hàng hóa vào miền Bắc chủ yếu qua cảng Hải Phòng và qua các con buôn ở chợ Sắt. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết: “Chợ Sắt được người Pháp xây từ thế kỷ 19 gọi là Chợ Lớn vì lợp mái tôn nên ông bà ta quen gọi là chợ Sắt. Nổi tiếng nhất là vào những năm 80 của thế kỷ 20. Chợ bán đủ thứ trên đời nhưng nhiều nhất là hàng điện tử “xách tay” từ nước ngoài”. Thủy thủy tàu Vosco sau mỗi chuyến đi viễn dương sẽ mang về rất nhiều đồ điện tử của nước ngoài. Đa phần đều là đồ second hand nhưng vẫn rất được người dân ưa chuộng và tìm mua. Hồi ấy người Hải Phòng có câu “Đi tàu Vosco không bằng bà cô chợ Sắt” để nói lên sự giàu có của tầng lớp tiểu thương chợ Sắt”.
 
Thời kỳ đổi mới, nhận thấy tiềm năng to lớn của chợ Sắt, một liên doanh với vốn nước ngoài đã đầu tư 5 triệu đô la Mỹ để xây dựng Trung tâm thương mại chợ Sắt trên nền chợ cũ. Một dự án đầy triển vọng với 60.000 m2 cung cấp diện tích sử dụng buôn bán cho 5000 tiểu thương. Nguyễn Danh Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Hữu hạn Hải Thành, đơn vị đầu tư xây dựng và quản lý Trung tâm thương mại chợ Sắt cho biết: “Theo tính toán của Liên doanh, với đúng kế hoạch thì chỉ sau 3 năm là Liên doanh thu hồi vốn, khi đó sẽ trả lại không điều kiện cho TP Hải Phòng một phần chợ Sắt”.

Dự án tuyệt vời của Liên doanh đã được nhà nước phê duyệt rất nhanh và đến giữa năm 1994, Trung tâm thương mại chợ Sắt bề thế ra đời. Bà con tiểu thương nhanh chóng đăng ký đặt thuê gian hàng trong trung tâm và chưa đầy 1 tháng con số 5000 hộ đã được đăng ký xong.

Thế nhưng với sự thay đổi chính sách về kinh tế của nhà nước đúng vào thời điểm Trung tâm Thương mại chợ Sắt vừa bắt đầu đi vào hoạt động đã khiến cho “giấc mộng” đẹp mà Liên doanh ky vọng bị sụp đổ hoàn toàn. Chính sách kinh tế mới cho phép người dân được tự do đăng ký kinh doanh buôn bán ở bất kỳ đâu. Ông Nguyễn Danh Mỹ chia sẻ trong tiếc nuối: “Người dân trước kia bị cấm mở cửa hàng, buôn bán ở vỉa hè, xung quanh chợ thì nay được tự do làm điều đó. Như vậy chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với thuê kiot trong chợ. Vậy là hoàng loạt tiểu thương rút đơn thuê kiot. Từ 5000 hộ chỉ còn 1000 đăng ký hoạt động ở tầng 1 và 2”.

Sự sầm uất của Trung tâm Thương mại chợ Sắt được kéo dài thêm 3 năm tiếp theo rồi chính thức rơi vào cảnh điêu tàn đến bây giờ. Bà Phạm Thị Khuya (74 tuổi, bán tạp hóa ở cổng Bắc, Trung tâm Thương mại chợ Sắt) cho biết: “Ở bên ngoài người ta cũng bán đầy đủ các mặt hàng như trong chợ, giá cả cũng cạnh tranh hơn vì vậy không còn ai lên mua hàng ở tầng 2 nữa”. Cho đến bây giờ, chợ Sắt chỉ còn lại tầng 1 với các hộ kinh doanh loa đài là hoạt động tốt, con lại 5 tầng còn lại gần như bỏ hoang.

Ông Nguyễn Danh Mỹ cũng nói thêm: “Địa thế chợ Sắt trước kia là phù hợp nhưng bây giờ thì không, nhất là về giao thông. Không gian xung quanh chợ chật hẹp đi rất nhiều, có nhiều đơn vị lên đây thuê mặt bằng làm vũ trường, quán game, nhà hàng đều nhanh chóng chuyển đi vì lẽ đó”.

Chính những nguyên nhân trên đã làm lên khung cảnh vắng vẻ điêu tàn của một trong những biểu tượng của TP Hải Phòng. Đến chợ Sắt bây giờ, ngoài tầng một còn có kẻ bán người mua, các tầng khác chỉ còn lại những không gian hun hút, bụi bặm. Những khung cửa khóa kín, những trần nhà mục nát, những bức tường cũ kỹ, đổ nát. Tất cả những điều đó đều khiến cho những người yêu Chợ Sắt càng thêm xót xa và càng nhớ da diết về một thời oanh liệt của khu chợ này.