Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chớ “thừa nước đục thả câu”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nhiều DN, cơ sở kinh doanh thịt lợn, khẩu trang... không những không có biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận sản phẩm với giá tốt mà thậm chí còn lợi dụng bất ổn của thị trường để trục lợi, "thừa nước đục thả câu". Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: Văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của DN nằm ở đâu?

 Một số DN đầu ngành trong chăn nuôi đã giảm mức giá bán lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg để góp phần bình ổn thị trường. Ảnh minh họa
Hai ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, một số DN đầu ngành trong chăn nuôi đã giảm mức giá bán lợn hơi về mức 75.000 đồng/kg để góp phần bình ổn thị trường. Chưa kịp vui mừng với thông tin này, nhiều chuyên gia cũng như dư luận xã hội lại tỏ ra băn khoăn, bởi vấn đề điều hành giá phải phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Hơn nữa, với mức chi phí chăn nuôi hiện ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg thì mức giá 75.000 đồng/kg mà DN bán ra vẫn còn quá cao. Đó là chưa kể, suốt một thời gian dài giá lợn xuất chuồng của các DN ra thị trường ở mức cao, có thời điểm gần 100.000 đồng/kg, khiến việc đi chợ lo bữa cơm của nhiều người tiêu dùng trở thành bài toán đau đầu, bữa ăn của học sinh bán trú cũng vơi bớt đi miếng thịt.
Điều đáng nói, giá lợn hơi của các DN chăn nuôi lớn luôn có sự đồng hành, nhìn nhau để tăng hay giảm giá. Thậm chí, sau một "mệnh lệnh hành chính" của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các DN này đã đồng loạt cùng nhau giảm giá, dù các chi phí đầu vào không biến động. Có chuyên gia kinh tế đã đặt vấn đề, có hay không sự “bắt tay” giữa các DN chăn nuôi lớn để làm giá thịt lợn suốt thời gian qua? Tại sao các công ty lớn không giảm giá ngay khi thị trường hạ nhiệt mà phải chờ ý kiến của Bộ trưởng kêu gọi? Và chắc chắn một điều, trong đợt "bão giá" kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các DN chăn nuôi đã thu về một khoản lợi nhuận không hề nhỏ, giữa bối cảnh người chăn nuôi lao đao vì dịch tả lợn châu Phi, còn người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá "trên trời".
Không chỉ các DN chăn nuôi, thời gian qua, câu chuyện trục lợi từ những chiếc khẩu trang, chai nước khử khuẩn của một số DN, cơ sở, cá thể kinh doanh giữa thời dịch Covid-19 cũng bị dư luận lên án gay gắt. Lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trước mối nguy đến từ dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh đã cố tình đầu cơ, găm hàng, tự ý “thổi” giá khẩu trang lên gấp hàng chục lần để trục lợi. Hay mới đây nhất là câu chuyện khôi hài của trường THCS - THPT Newton (Hà Nội) khi vừa thông báo thu tiền học phí tại nhà trong bối cảnh học sinh nghỉ học tránh dịch Covid-19 là 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng, đã phải rút lại thông báo trước những ý kiến trái chiều từ phụ huynh học sinh.
Cách làm ăn chộp giật, thiếu trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh khiến Chính phủ, các bộ, ngành không thể ngồi yên. Hàng nghìn cơ sở kinh doanh khẩu trang đã bị xử phạt hành chính, thậm chí đóng cửa vì hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, các cơ sở còn phải hứng chịu búa rìu dư luận, một “bản án lương tâm” cho lối hành xử đáng xấu hổ của mình trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Tham bát bỏ mâm, "thừa nước đục thả câu" chỉ khiến cho DN chịu thiệt hại nhiều hơn là cái lợi trước mắt.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên người và động vật hoành hành, DN lẽ ra phải trở thành “hạt nhân” dẫn dắt cung ứng dịch vụ, hỗ trợ và đáp ứng những sản phẩm tốt nhất với giá cả hợp lý cho nhu cầu tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe của người dân. Đã đến lúc các DN có tâm lý “ăn xổi” cần phải thay đổi tư duy, cách làm; lấy phương châm phát triển bền vững, số lượng và thị trường làm chiến lược lâu dài. Bởi “kinh doanh văn hóa” mới là thứ trường tồn trong nền kinh tế hội nhập.