“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 1

Hà Nội hiện có hơn 400 chợ, với hơn 90.000 hộ kinh doanh, với những mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” gắn với việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai, đã níu giữ những nét đẹp văn hóa chợ truyền thống của Hà Nội. Đồng thời, góp phần duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, ứng xử chuẩn mực giữa người mua và người bán, đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 2
“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 3

Từ lâu, chợ truyền thống tại Hà Nội đã tồn tại và trở thành nếp sống, nét văn hóa đặc trưng trong đời sống dân sinh. Chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao tiếp, tương tác, liên kết của cư dân đô thị. Mọi người đến chợ cùng với mua bán hàng hóa, còn để trò chuyện, thăm hỏi, chia sẻ những câu chuyện thường nhật; những người bán hàng trở nên gắn bó với nhau và cũng gắn bó với khách hàng thân thiết.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 4

Các chợ trung tâm ở Hà Nội cũ như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hôm... đều là những chợ có lịch sử từ rất xa xưa. Trong đó, chợ Hôm – Đức Viên nằm ở ngã tư giao cắt Phố Huế - Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng), vị trí được coi là đẹp của nội đô Hà Nội. Đây là một trong số các chợ truyền thống lâu đời và là địa điểm buôn bán sầm uất của Thủ đô. Chợ từng là khu vực trận địa đánh trả Thực dân Pháp khốc liệt và từng hứng chịu những đợt mưa bom, lửa đạn của Đế quốc Mỹ. Sau nhiều lần tu sửa, chợ Hôm - Đức Viên dần thay đổi diện mạo, vừa mang dáng vẻ vừa hiện đại, vừa truyền thống như ngày hôm nay. Chợ nổi tiếng bởi sự sầm uất và lưu giữ một truyền thống buôn bán kinh doanh được hình thành và được gìn giữ qua nhiều năm tháng, gắn với mảnh đất kinh kỳ. Chợ là nơi gắn bó của hàng trăm hộ kinh doanh, từ những người có vốn lớn buôn bán to đến những người vốn ít chỉ đủ bán hàng lá hoặc quà bánh.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 5
“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 6

Trong số các chợ nổi tiếng của Hà Nội không thể không nhắc tới chợ Bưởi (vùng Kẻ Bưởi, nay thuộc quận Tây Hồ), là một trong những chợ cổ nhất Hà Nội vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên. Ca dao có câu: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng". Ngày nay, chợ phiên Bưởi đã biến đổi nhiều so với trước nhưng những ai có nhu cầu mua cây cảnh, hạt giống rau, chó, mèo, chim... vẫn tìm đến nơi này. Vào các ngày phiên, cứ tầm 6 giờ sáng, người bán lại rục rịch mang hàng ra bày; các hàng cây cảnh là nhiều nhất, rồi chó mèo, chim cảnh, cá cảnh…

Bên cạnh những mặt tích cực, có một thời gian dài, văn hóa ứng xử trong chợ truyền thống bị xô lệch khiến nhiều người nhìn vào chợ truyền thống bằng sự thiếu thiện cảm. Những biểu hiện điển hình có thể kể đến như, giao tiếp chưa chuẩn mực, mắng chửi khách khi không vừa lòng, nói thách, chèo kéo khách, cân thiếu trọng lượng, bày hàng hóa ngổn ngang lấn chiếm lối đi, gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường không sạch sẽ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Với sự phát triển của những loại hình thương mại khác như hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị và cạnh tranh của hình thức bán hàng online, khiến người tiêu dùng lựa chọn những hình thức mua bán khác thay vì đến chợ. Điều đó càng làm cho chợ truyền thống mất sức hút, có những thời điểm rơi vào cảnh đìu hiu.

 

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 7

Từ góc nhìn của mình, Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải chia sẻ, chợ truyền thống là một không gian cộng đồng đầy tính nhân văn. Ở đây tràn đầy không khí thân thiện và tình người... Chợ có hồn người, hồn văn hóa ở đấy. Bởi chợ chính là hình ảnh thu nhỏ của đô thị. Mọi dấu ấn của đời sống đô thị từ kinh tế, văn hóa, xã hội được tái hiện một cách sinh động và chân thực qua cách giao tiếp, ứng xử, cách mua bán, tiêu dùng của người dân trong chợ.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 8

Để giữ những nét văn hóa chợ truyền thống, nhiều giải pháp đã được ác cấp, ngành triển khai. Trong đó, hơn 7 năm qua (từ năm 2017), việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đã mang lại những hiệu quả nhất định, trong đó góp phần vào xây dựng hình ảnh chợ văn minh. Theo đại diện Sở VH&TT Hà Nội, hiện thành phố có nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử, nổi bật, Hội LHPN TP triển khai 21 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được niêm yết công khai, dễ thấy tại cổng ra vào, gần với sơ đồ thoát hiểm và bố trí phương tiện; bản cam kết phòng cháy, chữa cháy của Ban Quản lý chợ được công khai. Đồng thời, tại các kiot kinh doanh, bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được niêm yết ở địa điểm dễ quan sát... Tại địa điểm trông giữ xe, phương tiện được sắp xếp gọn gàng, công khai giá, nhân viên có đeo thẻ. Tương tự, tại quận Hà Đông, các cửa hàng kinh doanh trên phố lụa Vạn Phúc đều niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 9

Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên), từ khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, đã nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng. Ở đây, người dân mua bán văn minh, không có tình trạng chèo kéo, ép khách. Người tiêu dùng được mua hàng hóa, sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chợ cũng được phân thành từng khu chức năng riêng biệt như khu thực phẩm chín; thịt tươi sống riêng; khu hàng rau, quả..., nhờ đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm của hộ kinh doanh tại chợ rất thuận lợi.

Để có được kết quả trên, theo Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên, để thực hiện mô hình tuyên truyền chợ văn minh, Phòng đã làm điểm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, hướng dẫn tiểu thương các nghiệp vụ bán hàng, thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép giá du khách sử dụng sản phẩm, thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Trên địa bàn có nhiều chợ truyền thống, trong đó có chợ Hôm – Đức viên, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh cho biết thêm, UBND quận đã tổ chức tập huấn các nội dung quy tắc ứng xử cho Ban Quản lý các chợ, đưa nội dung quy tắc ứng xử vào nội quy chợ. Đồng thời tổ chức ký cam kết giữa các hộ kinh doanh với cơ quan chức năng về chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong kinh doanh, buôn bán.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 10

Nói về việc triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN TP Hoàng Thu Hồng cho biết: “Khi triển khai mô hình này, chúng tôi nhận thấy nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, chợ truyền thống không thu hút được người mua như trước do sự cạnh tranh của hệ thống bán hàng online, các cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại, siêu thị. Từ thực tế đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tiểu thương nhận thức được những lợi ích khi môi trường chợ truyền thống trở nên văn minh hơn. Như việc niêm yết giá để người dân đến chợ không phải mặc cả, có thể dùng mã QR để thanh toán… nhằm rút ngắn khoảng cách giữa chợ truyền thống và những loại hình kinh doanh khác. Tính đến nay, mô hình mang lại những hiệu quả thiết thực, tiểu thương đồng thuận hưởng ứng, 20 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” đã được triển khai trên địa bàn TP".

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 11
“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 12

Chợ Hoa Quảng An hiện có khoảng 300 hộ kinh doanh. Chợ hoa hoạt động sôi nổi và đông người nhất vào khung giờ từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Đây là chợ hoa lớn nhất miền Bắc, cung cấp hoa cho các tỉnh miền Bắc và cả nước, mỗi ngày có hàng chục tấn hoa được giao dịch tại đây. Vào những ngày cao điểm như ngày Rằm, mùng Một hay vào dịp Tết, chợ hoa thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi tối. Với số lượng hoa và khách buôn bán nhộn nhịp, mỗi tối tại chợ hoa có lượng lớn rác thải, vì vậy, Ban quản lý chợ yêu cầu các tiểu thương thực hiện thu gom rác mỗi sáng và tập kết vào nơi quy định.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 13

Trưởng ban quản lý chợ hoa Quảng An Dương Văn Trường cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Ban quản lý chợ và các tiểu thương đang nỗ lực xây dựng mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”... Hiện, các quầy đều có mã quét QR để người mua có thể thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt. Ban quản lý chợ lập các nhóm Zalo với sự tham gia của các tiểu thương, thường xuyên tuyên truyền việc thực hiện Quy tắc ứng xử, thông tin về những phản ánh của du khách để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, thân thiện, hiệu quả. Ngoài ra, các tiểu thương sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Tiktok để tăng cường quảng bá, tuyên truyền chợ hoa một cách hiệu quả.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 14

Theo Ban Quản lý chợ Quảng An, chợ nằm trong kế hoạch phát triển thành điểm du lịch đêm của Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội khảo sát, xây dựng. Đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của quận Tây Hồ, có thể kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn quận để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo cho quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung. Quận Tây Hồ đã có kế hoạch xây dựng lại chợ hoa để đồng bộ các cơ sở hạ tầng như: Khu vực bán hàng, bãi đỗ xe, nơi tập kết rác, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt camera an ninh, nhà vệ sinh công cộng...

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 15

Có thể thấy, nếu giữ được yếu tố văn hóa của chợ truyền thống Hà Nội, sẽ góp phần tạo thành những điểm du lịch độc đáo, mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch khi đến với Thủ đô. Bởi thực tế, văn hóa là yếu tố gốc, ở đâu giữ được bản sắc văn hóa, ở đó có sức hấp dẫn với người dân và du khách. Trong kế hoạch phát triển du lịch của TP Hà Nội, du lịch văn hóa được coi là lợi thế và với những chợ truyền thống mang đặc trưng văn hóa riêng, sẽ trở thành nguồn tài nguyên đóng góp quan trọng và sự phát triển của Thủ đô.

“Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” - giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội - Ảnh 16

 

11:19 24/11/2024