Đồng chủ trì Hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng; đại diện Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP Hà Nội, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của TP.
Giải ngân 2.190 tỷ đồng đến đối tượng của 4 chính sách tín dụng
Để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trong đó đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể. Trên tinh thần đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đã được ban hành, trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Để triển khai, NHCSXH đã ban hành ngay Kế hoạch thực hiện trên toàn hệ thống và tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP trong tháng 2/2022. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Đối với 7 nhiệm vụ được Chính phủ phân công triển khai trong Chương trình, NHCSXH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để các chính sách sau khi được ban hành sớm triển khai trong thực tiễn.
NHCSXH đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau thời gian chính sách ban hành được gần 1 tháng. Trong số này, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 1.926 tỷ đồng với hơn 37 nghìn khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 131 tỷ đồng với 8.814 khách hàng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 133 tỷ đồng với 555 khách hàng....
“Để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần xác định vai trò của tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và là công cụ hữu hiệu trong việc điều phối các nguồn lực xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại các địa phương” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nhiều gói hỗ trợ đã đi vào cuộc sống
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan đã triển khai thực Nghị quyết số 11 tương đối tốt. Nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã đi vào thực tế.
Lý giải cụ thể hơn, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng chừng 347.000 tỷ. Trong số này, dành khoảng 46.000 tỷ cho việc chi mua vaccine và trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19. Như vậy nếu trừ đi khoản kinh phí dành cho việc phục vụ chống dịch, thì gói hỗ trợ còn khoảng 300.000 tỷ đồng. Khoản thứ hai trong gói hỗ trợ là giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa dịch vụ,… mà doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và phí, lệ phí.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã triển khai khoản hỗ trợ này rất nhanh và có tác dụng rất lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao thì việc giảm thuế VAT (thuế gián thu) có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, qua đó giúp kiểm soát được chỉ số lạm phát bình quân của 4 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Chính phủ còn dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách với 5 chương trình giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Hiện nay, cả 5 chính sách này Chính phủ đã xây dựng xong các quy định, không còn vướng mắc. Đối với việc huy động vốn trái phiếu của NHCSXH, chỉ trong vòng 1 tháng, đã huy động được 2600 tỷ để triển khai thực hiện 4 chương trình.
Nhân đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai ngay gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Việc triển khai phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy định của pháp luật…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Quốc hội của Trung ương, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã triển khai chương trình rất quyết liệt, hiệu quả. Còn việc triển khai các dự án đầu tư công cụ thể phải thực hiện theo đúng trình tự của Luật Đầu tư công.
Tránh sơ suất, trục lợi chính sách
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả này có được là do có sự nỗ lực của cả hệ thống, từ sự chỉ đạo của T.Ư, tới Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng biểu dương NHCSXH đã chủ động vào cuộc, phối hợp với các bộ ngành để triển khai Nghị quyết 11 hiệu quả. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tới nay sau 3 tháng, vừa làm vừa giải ngân, vừa làm vừa bố trí vốn, dù rất áp lực về mặt thời gian nhưng đến nay, NHCSXH đã giải ngân 4 chương trình tổng số 2.319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…
"Đây là con số rất mừng, rất có nghĩa. Các đồng chí đã rất cố gắng, linh hoạt, sáng tạo mới có kết quả như vậy" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh 2 việc. Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Bộ Tài chính là phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.
Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho NHCSXH để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng lưu ý NHCSXH triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách. Đồng thời, đề nghị là cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai các chính sách an sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đặc biệt là các chính sách cho vay ưu đãi đến các cấp, các ngành và nhân dân biết và thực hiện, giám sát.
Hà Nội sẽ ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, TP Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những giải pháp trọng điểm là hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho người lao động, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với quan điểm đó, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
TP đã kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho vay đến các địa bàn để tổ chức giải ngân. Chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP địa bàn Hà Nội được phân bổ là 206,3 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được 51,71 tỷ đồng cho 924 khách hàng được vay vốn.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH TP Hà Nội đạt 5.956 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, TP đã dành riêng 1.150 tỷ đồng chuyển qua NHCSXH TP để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong năm 2022, TP cũng đã có quyết định bổ sung ủy thác qua NHCSXH TP 900 tỷ đồng để cho vay vốn với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần phục hồi phát triển kinh tế…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo về việc rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng tại Nghị quyết 11/NQ-CP, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch cho vay trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, TP sẽ ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách TP ủy thác qua NHCSXH TP. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển kinh tế của cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn làm cơ sở báo cáo, tham mưu HĐND, UBND TP cân đối Ngân sách bố trí vốn khoảng 1.000 tỷ đồng chuyển bổ sung qua NHCSXH TP triển khai giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng theo chỉ đạo của UBND TP.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan liên quan quan tâm gắn tín dụng chính sách xã hội với các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo NHCSXH TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng đã và đang triển khai. Thường xuyên quan tâm triển khai có chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng như công tác nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn tín dụng chính sách sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.