Tuy nhiên, trái với dự đoán này, số liệu chính thức công bố ngày 12/12 cho thấy sản lượng công nghiệp của Ấn Độ trong tháng 10/2012 tăng 8,2% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 16 tháng, nhờ hoạt động tốt của lĩnh vực chế tạo, điện và hàng tiêu dùng.
Số liệu về tăng trưởng của ngành công nghiệp là một tin vui đối với Chính phủ Ấn Độ trong thời điểm Quốc hội vừa thông qua dự luật mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
Công nhân Ấn Độ làm việc trong một nhà máy thép ở ngoại ô Agartala, Ấn Độ. (Nguồn: AFP)
Các nhà phân tích cho rằng với việc dự luật về FDI được thông qua, Chính phủ đã có cơ sở pháp lý để thúc đẩy cải cách, thu hút đầu tư nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Phấn khởi trước mức tăng trưởng khá ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, P. Chidambaram cho rằng đây là những “chồi xanh” đã nhú lên trong nền kinh tế Ấn Độ.
Phát biểu trước báo giới tại New Delhi chiều 12/12, ông nói: “Tôi rất phấn kích trước dấu hiệu về những 'chồi xanh' trong nền kinh tế ở khía cạnh sản lượng. Những chỉ số về tăng trưởng công nghiệp rất đáng khích lệ."
Theo ông Chidambaram, chính sách FDI đã được thông qua, trong những tháng tới vốn đầu tư và nhu cầu tiêu thụ tăng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ.
Một tin vui nữa đến với nền kinh tế Ấn Độ là ngày 11/12, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s cho rằng “luồng gió” cải cách sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vào năm 2013. Chính phủ Ấn Độ đã có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các chương trình cải cách, đặc biệt là cho phép FDI vào lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã cam kết tăng FDI trong lĩnh vực bảo hiểm, tuy dự luật này còn chờ Quốc hội thông qua. Lưu ý rằng sự trì trệ về chính sách và tê liệt về chính trị đã làm giảm lòng tin của giới doanh nghiệp trong năm 2012, báo cáo của Moody’s nhấn mạnh “Ấn Độ phải tận hưởng một năm 2013 tốt hơn.”
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Ấn Độ chưa phải toàn màu hồng. Xuất khẩu giảm, lạm phát cao, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai tăng là những vấn đề đang làm Chính phủ đau đầu.
Số liệu vừa công bố cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 11 vừa qua giảm 4,17% xuống còn 22,3 tỷ USD so với mức 23,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước; trong khi đó nhập khẩu tăng 6,35% lên 41,5 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại ở mức 19,28 tỷ USD. Trong thời kỳ từ tháng 4-11/2012, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ giảm 5,95% xuống còn 189,2 tỷ USD.
Lo ngại trước tình hình trên, Thứ trưởng Thương mại Ấn Độ, S. R. Rao cho biết, sắp tới Bộ trưởng Anand Sharma sẽ công bố một gói biện pháp mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Rao, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ tăng là do nhập khẩu dầu mỏ tăng lên tới mức 318,7 tỷ USD trong thời kỳ từ tháng 4-11/2012. Riêng tháng 11, nhập khẩu dầu mỏ tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước lên tới 14,5 tỷ USD; trong khi nhập khẩu các sản phẩm không thuộc dầu mỏ tăng 1,5% lên 27 tỷ USD.
Lạm phát trong lĩnh vực bán lẻ tại Ấn Độ trong tháng 10 năm nay đã nhích lên 9,75% so với 9,73% của tháng Chín. Giá cả tăng cao nhất trong tháng 11 là dầu và mỡ, với mức lạm phát hàng năm ở mức 17,67% tính theo chỉ số giá tiêu dùng được công bố ngày 12/12. Tiếp đó, giá đường tăng 16,97%; rau tăng 14,74%, lúa mỳ, cá, trứng tăng 11,33%.
Chính vì chỉ số lạm phát vẫn cao nên Ngân hàng dự trữ Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, chính sách tiền tệ thắt chặt lại ảnh hưởng đến đầu tư cũng như tăng trưởng, do vậy chính sách tài khóa và tiền tệ hoạt động sao cho đạt được những mục tiêu chung là kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng vẫn là bài toán khó đối với nền kinh tế Ấn Độ.