Chọn bánh kẹo Tết, người tiêu dùng chuộng hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Quý Mão 2023, thị trường bánh, mứt, kẹo bắt đầu sôi động, sức tiêu thụ tăng mạnh. Tín hiệu đáng mừng là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm hàng Tết.

Đầu tư về mẫu mã, chất lượng

Đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bánh, mứt, kẹo trở nên sôi động. Để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới dành riêng cho dịp Tết mang đậm màu sắc truyền thống.

Ghi nhận tại các siêu thị như Winmart, Big C, Co.op Mart, BRGMart/HaproMart… hay những cửa hàng bán lẻ, khu phố chuyên kinh doanh bánh, kẹo Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch... (quận Hoàn Kiếm), mặt hàng bánh, kẹo Tết đã bày bán đa dạng, gồm cả sản xuất trong nước và ngoại nhập. Đáng chú ý, những thương hiệu quen thuộc trong nước như: Kinh Ðô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà... vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với hàng ngoại nhập cả về mẫu mã và số lượng. 

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam

Hiện bánh Danisa Gold hộp 792 gram dao động 239.000 - 245.000 đồng/hộp, bánh Goute hộp thiếc từ 117.000 - 199.000 đồng/hộp; bánh Cosy hộp thiếc từ 95.000 - 99.000 đồng/hộp, kẹo thạch Zai Zai Plus 85.000 đồng/kg...

Tranh thủ buổi tối đi làm về, chị Nguyễn Thị Hương (quận Hà Đông) đi sắm sửa đồ Tết tại trung tâm thương mại Big C. Theo chị Hương, những sản phẩm bánh kẹo do doanh nghiệp trong nước sản xuất năm nay đa dạng mẫu mã nên thu hút người tiêu dùng chọn mua.

“Hiện sản phẩm bánh kẹo Việt Nam cùng một thương hiệu nhưng có nhiều thiết kế loại hộp giấy, hộp thiếc, hộp nhôm... với kích cỡ, hương vị đa dạng để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với từng mục đích sử dụng như làm quà tặng hoặc bày mâm Tết” - chị Hương nói.

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh  mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn thông tin: "Hiện mỗi ngày, chúng tôi sản xuất trung bình 3 tấn bánh, kẹo từ bình dân đến cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bánh, mứt, kẹo là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Do đó, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5 - 12%, song đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung thị trường".

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin thêm, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” hiện có đến trên 90% hàng hóa đang bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart là sản phẩm Việt Nam. Hệ thống siêu thị Co.opmart luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, Globalgap.

Nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ bánh kẹo Việt, nhiều siêu thị, doanh nghiệp sản xuất đang tổ chức chương trình khuyến mại. Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình khuyến mãi “Thả ga sắm Tết - Xuân Quý Mão 2023”, giảm từ 10 - 20% với các sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết. Tương tự thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô triển khai chương trình khuyến mãi “Thấy Kinh Đô là thấy Tết”, tặng phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng với hoá đơn từ 2 triệu đồng trở lên, và tặng phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng với hoá đơn từ 10 triệu đồng trở lên.

Thận trọng với hàng trôi nổi

Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường bánh, mứt, kẹo càng sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng về chủng loại, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gia tăng khi vẫn còn sản phẩm gia công kém chất lượng trà trộn.

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên phố Hàng Buồm, có thể thấy không ít sản phẩm được giới thiệu là nhập khẩu nhưng không có tem nhãn xuất xứ được bán với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Tại một số chợ nhỏ lẻ, tự phát, người tiêu dùng có thể nhận ra những sản phẩm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng hoặc xen lẫn với các sản phẩm nhập khẩu, như Damisa (nhái theo Danisa); Choocopie, Chocopai (nhái theo Chocopie); Custard - hàng nhái của hãng Custas; các loại bánh quy Ozeo, Oroe, Borio... nhái theo thương hiệu Oreo...

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, mặt hàng bánh, mứt, kẹo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán, để ngăn chặn chặn tình trạng này lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tuy nhiên cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì. Khi mua sắm qua các website trực tuyến, người tiêu dùng nên liên hệ trực tiếp với địa chỉ bán hàng để được tư vấn cụ thể về sản phẩm cần mua và làm rõ chính sách như vận chuyển, đổi trả, hạn sử dụng... trước khi mua hàng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tập trung triển khai các hoạt động kích cầu,  cung cấp những mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.

“Hiện, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng Tết, trong đó có mặt hàng bánh kẹo và không tăng giá cao, qua đó chia sẻ với khó khăn của người dân. Ðể bảo đảm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương sẽ thành lập các đoàn công tác, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng” - bà Trần Thị Phương Lan thông tin