Những tín hiệu tích cực
Tháng 6, TTCK Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng tích cực cả về điểm số và thanh khoản. Cụ thể, kết thúc tháng 6 chỉ số VN-Index tăng 11,1% lên 1.120,18 điểm so với cuối năm 2022. Thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt trên 13.700 tỷ đồng/phiên. Riêng trên HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt trên 15.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 40% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 trở lại đây.
Tổng số vốn hóa toàn thị trường 4,81 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2022. Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tiếp đà hồi phục mạnh mẽ trong tháng 6. Tổng số tài khoản chứng khoán đã được nhà đầu tư cá nhân mở mới 145.864 trong tháng 6, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Theo chuyên gia tại Công ty chứng khoán SSI, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu mua ròng 26,5 tỷ USD trong tháng 6, tăng 5 lần so với tháng 5. Tính chung từ đầu năm đến nay, các quỹ cổ phiếu đã thu hút được 41 tỷ USD, đảo ngược từ việc rút ròng 14 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2022. Quỹ trái phiếu duy trì cường độ vào ròng tháng thứ 6 liên tiếp, mức mua ròng 26 tỷ USD và tăng 15,7% so với tháng 5.
Tính chung từ đầu năm đến nay, các quỹ trái phiếu đã thu hút 179 tỷ USD. Dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam đảo chiều mua ròng nhẹ 257 tỷ đồng trong tháng 6, đưa tổng tiền giải ngân trong nửa đầu năm lên đến 5.840 tỷ đồng. Khối ngoại thu hẹp bán ròng 389 tỷ đồng trong tháng 6. Tính chung trong 6 tháng, khối ngoại duy trì mua ròng 1.687 tỷ đồng.
Theo VNDirect, chỉ số P/B - định giá của VN-Index đang rất hấp dẫn. Hiện tại, chỉ số vẫn đang giao dịch trong xu hướng tích lũy, chỉ cao hơn 20% so với đáy. P/B của chỉ số, bằng 0,7 lần trung bình 5 năm quá khứ. Đây là mức giao dịch thấp nhất so với các thị trường mới nổi.
Khó khăn còn nhiều
Theo SSI, mặc dù TTCK có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 2 chưa xuất hiện đột phá. Tăng trưởng GDP của cả nước ghi nhận mức tăng 4,14%. Hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo không có sự bứt phá trong quý 2.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 2 giảm 0,4%. Hoạt động thương mại giảm cả 2 lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, lần lượt giảm 14,2% và 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Quỹ tiền tệ đảo chiều rút 14,6 tỷ USD, sau khi vào ròng lên tới 766 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Khảo sát mới nhất từ BofA cho thấy, các nhà quản lý quỹ vẫn có sự thận trọng. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái vẫn còn. Kỳ vọng kém tích cực của Trung Quốc khiến dòng tiền vào thị trường mới nổi chậm lại trong tháng 6. Căng thẳng địa chính trị chưa kết thúc, lạm phát ở Mỹ và châu Âu còn khá cao.
Điều này sẽ khiến người dân toàn cầu thận trọng, hạn chế chi tiêu. Do đó, sản xuất kinh doanh sẽ còn gặp khó khăn. Dẫn đến thương mại toàn cầu chậm lại.
Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư hiệu quả
Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng các chuyên gia cho rằng, cơ hội đầu tư cho những ai biết lựa chọn cổ phiếu sẽ đạt được lợi nhuận mong muốn. Để có được điều đó, chuyên gia tại SSI cho rằng, nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có hiệu suất kinh doanh tốt và đa dạng danh mục đầu tư sẽ tránh rủi ro cho dòng tiền.
Để có được cổ phiếu tốt, SSI khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét các yếu tố nội tại của nền kinh tế tác động lên các lĩnh vực kinh tế nào, sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh khu vực đó. Cụ thể, lạm phát tổng thể tiếp tục hạ nhiệt, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ đề ra. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động giảm tiếp lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Chính phủ giảm 2% thuế suất VAT cho các ngành hàng sản xuất kinh doanh kể từ 1/7. Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày đối với khách quốc tế khi nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, thúc đẩy du lịch tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong 6 tháng cuối năm 2023, tổng số vốn giải ngân cho đầu tư công còn gần 530.000 tỷ đồng.
Với những phân tích trên, chuyên gia cho rằng, các nhóm ngành hưởng lợi và tăng trưởng tốt 2 quý cuối năm đó là: Ngân hàng, khi cho vay tăng sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận. Ngành du lịch và dịch vụ ăn uống sẽ tăng lượng khách quốc tế đến và thời gian lưu trú dài hơn, thúc đẩy chi tiêu cá nhân.
Tăng chi tiêu công cho hoạt động xây dựng cơ bản sẽ giúp cho các ngành nghề sản xuất và kinh doanh vật liệu như sắt thép, cát đá, xi măng, nhựa đường… hoạt động tốt. Khi các ngành sản xuất, kinh doanh hoạt động tích cực thì đi kèm theo đó là hoạt động logicstics cũng sôi động theo.
Dựa trên các phân tích kinh tế vĩ mô, chuyên gia tại VNDirect đưa ra 2 luận điểm đầu tư chính cho 6 tháng cuối năm 2023.
Thứ nhất là lãi suất thấp hơn sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản.
Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán được hưởng lợi cả đầu vào là giảm chi phí vốn, đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm.
Luận điểm thứ hai, VNDirect cho rằng, đầu tư công là một phần của chính sách tài khóa mở rộng, câu chuyện đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2023. Các tín hiệu kỹ thuật trên cho nhận định xu hướng tăng của VN-Index được kỳ vọng chinh phục mục tiêu 1.150-1.156 điểm để tiến lên các mốc điểm số cao hơn tại vùng 1.170- 1.180 trong chu kỳ tăng trưởng tháng 7.