Chọn lĩnh vực đón vốn đầu tư Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, 11 tháng năm 2015, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khoảng 400 dự án, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD.

Nhà đầu tư hàng đầu

Trong số 49/63 tỉnh, TP trong cả nước có dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hà Nội luôn được các DN Nhật Bản quan tâm. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 721 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ USD và 23 dự án ODA với tổng vốn đầu tư trên 2,9 tỷ USD đã và đang được triển khai.
Sản xuất cánh tà cho máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. 	Ảnh: Chiến Công
Sản xuất cánh tà cho máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Chiến Công
Thực tế, dòng vốn FDI Nhật Bản đã và đang đổ vào Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong suốt thời gian qua, dù xét về số lượng có giảm so với một số nhà đầu tư như Hàn Quốc, Malaysia với các dự án quy mô hàng tỷ USD nhưng “điểm danh” từ đầu năm tới nay, không ít DN lớn của Nhật Bản đã chọn Hà Nội làm điểm đến, chẳng hạn như Công ty CP VISAHO, Snow Ice, Công ty CP JES, Nhà máy FUKOKU, nhà bán lẻ lớn Aeon... Nhật Bản vẫn luôn là nhà đầu tư hàng đầu mà Hà Nội đặc biệt coi trọng.

“Chúng tôi luôn chào đón các DN FDI, nhất là các DN đến từ Nhật Bản tới đầu tư tại Hà Nội. Họ sẽ luôn nhận được những ưu đãi đầu tư tốt nhất” - ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) nhấn mạnh. Hà Nội đã có sự chuẩn bị khá kỹ để thu hút nguồn vốn đầu tư này, với mục tiêu xúc tiến đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực còn rất thiếu và yếu.

Chủ động xúc tiến đầu tư
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước để thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản. Tất nhiên, một trong những điều kiện hàng đầu là sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để điểm đến Hà Nội luôn hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh”.
Ông Nguyễn Gia Phương Giám đốc HPA

Để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, năm 2015, ngoài hội nghị xúc tiến đầu tư chung của cả TP đã được tổ chức vào tháng 8, Hà Nội không ngừng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư với riêng đối tác chiến lược Nhật Bản. Một điểm nhấn quan trọng là phối hợp tổ chức các triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với trọng tâm là thu hút đầu tư vào chế tạo linh phụ kiện, sản phẩm khuôn mẫu, thiết bị công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô... “Những lĩnh vực này đều có dư địa phát triển rất tốt, bởi Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có nhiều DN cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn” - ông Phương phân tích.

Không chỉ mời gọi DN đến, Hà Nội còn chủ động tới tận nơi để tìm kiếm nhà đầu tư. Tháng 8/2015, các hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã lần lượt được tổ chức tại Fukuoka, Saitama, rồi Tokyo. Kết quả vượt mong đợi: Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, chẳng hạn, giữa Công ty CP Giải pháp phần mềm Hanel và Công ty TNHH Hiro; giữa Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội và Công ty Du lịch Tabix, Inc…  Mới đây nhất, HPA đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Mizuho, nhằm phối hợp hỗ trợ các DN Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần