Để ngăn chặn tình trạng này các lực lượng chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt.
|
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại siêu thị Media Mart. Ảnh: Hoài Nam |
Mới đây nhất, ngày 16/11, tại đường Võ Nguyên Giáp (huyện Sóc Sơn), lực lượng chức năng qua kiểm tra xe taxi BKS 29A-984.24 đã phát hiện 19kg pháo nổ và 197kg pháo hoa được cất giấu trong xe. Nữ hành khách vận chuyển số pháo trên là Trần Thị Kim (ở Đồng Đăng, Lạng Sơn) khai nhận đã thuê taxi để chở số pháo nổ trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Trước đó Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra, hoạt động kinh doanh thực phẩm của cơ sở Nam Phương (tại số 20 Liền kề, khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) đã phát hiện 6.325,6 kg thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Nam Phương đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm: Há Cảo 480 gói (1.200kg), bò viên 60 gói (150kg), xoắn 208 gói (520kg), chả mực 1.600 gói (4.000kg), lườn ngỗng trên bao bì có chữ “Smoked Duck Breast Bone les” 1.903 gói (380,6kg), lườn ngỗng trên bao bì có chữ “Hong Ha company, LTD, Ly Nhan, Ha Nam” 375 gói (75kg). Cơ quan chức năng xác định, cơ sở Nam Phương đã kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập lậu; sản xuất hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả... nên đã xử phạt 23,75 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Một bộ phận người tiêu dùng mặc dù biết mặt hàng họ mua và sử dụng là hàng lậu, thậm chí là hàng giả nhưng do giá rẻ và có thói quen thích sử dụng hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng nên chấp nhận sử dụng. Có thể nói việc chấp nhận sử dụng hàng lậu, hàng giả giá rẻ của người dân là hành vi tiếp tay cho buôn lậu”. - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San
Ngày 29/11, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái. Tại buổi lễ, các đại biểu đã đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong việc mua bán, tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trên từng địa bàn. Các cá nhân, DN hoạt động sản xuất phải chủ động xây dựng những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ sản phẩm của mình. Nếu phát hiện sản phẩm bị xâm hại, phải chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để ngăn chặn. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tham gia tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh chống lại nạn hàng giả, hàng nhái...). |
Thực tế, những năm gần đây hàng lậu không chỉ là hàng có xuất xứ Trung Quốc mà còn có các mặt hàng có chất lượng cao do Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… sản xuất. Đáng chú ý, lợi dụng sự thiếu quan tâm của một số DN trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết, không cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài và cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các DN Việt.
Tập trung xử lý những đường dây, đầu nậu lớnĐể ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm 2018 vào dịp Tết Kỷ Hợi, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-QLTTHN về kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý vi phạm các tháng cuối năm và trong các dịp Tết Dương lịch 2019, Tết Kỷ Hợi. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, nhằm thực hiện nghiêm túc kế hoạch này từ nay đến cuối năm 2018, lực lượng QLTT Hà Nội đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì... Đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN làm ăn chân chính.
Mặc dù lực lượng chức năng quyết tâm chống buôn lậu, nhưng để có thể ngăn chặn triệt để hàng lậu đòi hỏi các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật, phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu. Đồng thời lực lượng chức năng cần phân định rõ trách nhiệm từng địa bàn và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu số lượng lớn trên địa bàn, nhất là thời điểm cuối năm.