Đội QLTT số 17 và Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Hà Nội bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dnee của Thái Lan tại Tổ 10 Phú Lương - Hà Đông. Ảnh: Lê Nam |
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Liên tiếp những ngày cuối tháng 3 vừa qua, hàng loạt kho chứa hàng giả, không rõ nguồn gốc với số lượng lớn của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã bị QLTT triệt phá. Ngày 29/3, Đội QLTT số 16, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Long Biên kiểm tra kho hàng tại số nhà 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, quận Long Biên. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hàng nghìn sản phẩm giày dép thời trang giả mạo các nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci, Burberry, Adidas, LV, Zara, Hermes… Cùng thời gian, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phối hợp với Đội QLTT số 1 và số 14 (Cục QLTT Hà Nội) triệt phá kho hàng lớn tại huyện Ba Vì. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng vạn sản phẩm quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ được kinh doanh qua mạng xã hội. Qua điều tra, trung bình mỗi ngày cơ sở này có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh. Đội trưởng Đội QLTT số 16 Nguyễn Sỹ Bình cho biết, cơ sở kinh doanh này hoạt động thông qua bán hàng online, livetreams qua mạng xã hội Facebook, Zalo.Theo cơ quan chức năng, điểm chung của các vụ việc phát hiện kho hàng quy mô lớn là giao dịch mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc được thực hiện qua kênh online, mạng xã hội Facebook khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian theo dõi, triệt phá. Không chỉ có vậy, theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi như đặt kho hàng xa khu dân cư, lập nhiều tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội... nên công tác xác định đối tượng đấu tranh không hề dễ dàng. Vừa qua (ngày 17/3), Cục QLTT Nam Định cũng phát hiện, xử lý một kho tàng trữ hàng chục nghìn sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, chủ lô hàng đã sử dụng hàng chục tài khoản Facebook như: The Queen Shop; Trang Anna (The Queen); Dung Vũ (Boss The Queen); The Queen – Chuyên túi VIP; Dương Vũ Xuân; The Queen – Đại Dương – Sỉ lẻ túi xách; Kho Túi xách – Hàng Quảng châu… Đáng chú ý, đối tượng sử dụng một cửa hàng trung gian tại đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) làm nơi giới thiệu sản phẩm nhưng thực chất, cửa hàng này không chứa bất cứ sản phẩm nào.Xử phạt cũng không dễMặc dù lực lượng chức năng đã ráo riết vào cuộc điều tra, phát hiện các vụ tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả số lượng lớn, nhưng việc xử lý đối tượng buôn lậu và tiếp tay lại không hề dễ dàng.Chia sẻ những bất cập trong quá trình xác định sai phạm để xử lý, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa nêu rõ, hiện các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả đã và đang hình thành thỏa thuận ngầm việc vận chuyển với DN chuyên dịch vụ chuyển phát nhanh. Thậm chí có trường hợp, DN chuyển phát nhanh còn tạo điều kiện về kho hàng tập kết cho đối tượng buôn lậu. Mặc dù xác định những DN này đã tiếp tay buôn lậu nhưng việc xử lý lại không hề dễ dàng, bởi muốn ra quyết định xử phạt, cơ quan chức năng phải chứng minh và được DN thừa nhận yếu tố “cố ý” biết rõ là hàng hóa nhập lậu hay giả - nhái nhưng vẫn cố tình nhận vận chuyển. “Đây là điều khó có thể thực hiện bởi thực tế cho thấy, hầu như không công ty chuyển phát nào quan tâm nguồn gốc hàng hóa nhận vận chuyển có phải là hàng lậu, hàng giả hay không” - ông Nghĩa nói.Đồng tình với chia sẻ này, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, 100% giao dịch mua - bán rồi vận chuyển thông qua trung gian là các công ty chuyên doanh chuyển phát và thanh toán mua - bán đều thực hiện thông qua Internet banking. Thế nhưng, cơ quan QLTT rất khó nhận được sự hợp tác từ phía ngân hàng trong việc cung cấp các tài khoản thể hiện giao dịch giữa đối tượng cung cấp và người mua, trong khi đây là nguồn tài liệu – chứng cứ được đánh giá hết sức quan trọng để xác định rõ hành vi vi phạm.Để khắc phục những bất cập này, Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt, nâng cao tính răn đe; đồng thời đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả đấu tranh với các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm trên mạng xã hội.
Mạng xã hội khá đa dạng ở cách thức đăng bài, có thể là trên trang cá nhân hoặc trên chuyên trang (fanpage), hoặc trên marketplace của facebook, mặt khác cách thức giao kết hợp đồng, thỏa thuận mua bán, hay phương thức thanh toán cũng đa dạng, không thông qua sàn thương mại điện tử. Do đó, việc bổ sung quy định về hoạt động mua bán trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý là hết sức cần thiết.Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn |