Theo nhiều chuyên gia, hoàn thiện hệ thống luật pháp và nâng cao năng lực của cán bộ ngành thuế vẫn là một trong những yếu tố chính để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Biết mà vẫn “bó tay”?
Bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam thì cho biết, những trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá không phải là ít nhưng vấn đề là chưa có cách thức để chỉ ra lỗi.
Theo bà Cúc, việc các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế là câu chuyện nhức nhối tại nhiều nước chứ không phải riêng Việt Nam. Mặc dù khẳng định Việt Nam sẽ không bó tay trước những tệ nạn này nhưng bà Cúc thừa nhận là rất khó để xác định và “bắt lỗi” các doanh nghiệp kiểu này.
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo bà Cúc, cái khó hiện tại là việc cơ quan quản lý phải có chứng cứ để so sánh, đối chiếu giá của các doanh nghiệp tại quốc gia này và quốc gia khác.
Tuy nhiên, hiện việc trao đổi và cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và các nước khác theo bà Cúc là khó bởi các nước đều có xu hướng thu hút đầu tư và bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia mình. Vì vậy, vấn đề tìm kiếm, xác định giá thị trường rất khó khăn.
Bên cạnh đó, việc mua những thông tin như thế theo bà Cúc là việc “không phải muốn là được” vì không dễ để tìm được đơn vị cung cấp.
Còn theo ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam thì cho rằng, hiện Luật quản lý thuế không có điều khoản quy định về chống chuyển giá, đây là kẽ hở mặc dù Việt Nam đã tham khảo luật ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, theo ông Tiền, quan hệ mua bán của các doanh nghiệp đều hợp pháp, chúng ta không có lý do nói là hợp đồng đó vô hiệu. Việc chứng minh có khi vượt qua khả năng cơ quan thuế.
Ông Tiền đưa ra ví dụ, một công ty ở Mỹ bán hàng cho công ty con ở Việt Nam, nếu nghi ngờ giá bán, để chứng minh phải có điều tra, mà điều này cần sự hợp tác của cơ quan thuế nước sở tại và phải có kinh phí. Ông Tiền cho rằng, việc cử một đoàn cán bộ thuế đi điều tra hóa đơn của doanh nghiệp để chứng mình hóa đơn đó đẩy giá thì với điều kiện Việt Nam, ngân sách sẽ chi rất hạn chế trừ khi việc đó cấu thành tội phạm hình sự. Ngoài ra, sự hợp tác cơ quan thuế sở tại cũng chưa chắc đã sẵn sàng. Vì thế cán bộ của ta biết mà không làm được gì.
"Lấp" kẽ hở chính sách: Phương thuốc duy nhất
Chính ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách và hiện đại hoá, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, quản lý chuyển giá là lĩnh vực khó, đòi hỏi người thực hiện ngoài việc nắm vững nghiệp vụ chuyên môn cần kỹ năng và quyền lực để thực thi nhiệm vụ. Đến nay, ngành thuế chưa được trao quyền điều tra nên khó thực hiện quản lý hoạt động chuyển giá có hiệu quả.
Cũng theo một quan chức trong ngành thuế, mỗi năm ngành thuế cố gắng kiểm tra cũng chỉ được khoảng 12% số doanh nghiệp đang hoạt động. Một doanh nghiệp kiểm tra năm nay thì phải 7 năm sau mới quay trở lại.
Ở nước ngoài cán bộ thuế không cần tới doanh nghiệp vẫn kiểm tra được thu chi vì họ thanh toán chuyển khoản, các doanh nghiệp kinh doanh phải nối mạng về cơ quan thuế, họ có thể biết ngay một ngày họ chi, mua ra sao. Còn ở Việt Nam, cán bộ thuế phải xuống tận doanh nghiệp tìm từng chứng từ. Có khi thanh tra thuế phải làm cả tháng, bóc tách được những cái đó không hề đơn giản.
Vị cán bộ trên cho rằng, quan trọng là bây giờ phải chuẩn bị được lực lượng tinh thông với ngành thuế mà đây là việc không đơn giản. Đây phải là những người giỏi về kế toán quốc tế, chính sách thuế và ngoại ngữ. Hiện tại trong lực lượng cán bộ thuế không nhiều cán bộ đạt được chuẩn mực này.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho rằng, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng và lĩnh vực cụ thể bao gồm, giá nguyên vật liệu trong nước và thế giới, thông tin về những công nghệ mới nhất…làm căn cứ để đánh giá.
Đặc biệt, theo kiến nghị của ông Thụ, cần giao cho các Hiệp hội, tổ chức xã hội tham gia vào phản biện về giá trần, giá sàn, hàng rào kỹ thuật, công nghệ..., bởi chỉ các Hiệp hội mới có thể hiểu sâu được những lĩnh vực của mình và cái gì phát sinh trong quá trình làm giá, công nghệ thể nào và thiết bị thế nào, việc này nhiều người làm quản lý cũng khó nắm được hết những ngón nghề gửi giá, chuyển giá của họ.
“Trong câu chuyện chuyển giá, nếu phát huy được năng lực và phản biện xã hội, tạo cho họ tham gia vào một số dịch vụ công, trong đó xây dựng hàng rào kỹ thuật như: giá trần, sàn; tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công nghệ... thì chắc chắn mới quản lý và giám sát hiệu quả việc chuyển giá này,” ông Thụ nói.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế còn đưa ra cái nhìn tổng quan hơn khi nhắc tới vấn đề thu hút vốn nước ngoài trong thời gian tới.
“Chúng ta phải thay đổi quan điểm về thu hút vốn nước ngoài. Việc thu hút vốn nên chú trọng về chất, theo định hướng chứ không thể tràn lan,” ông Nguyễn Quang Tiến, đại diện Tổng cục Thuế nhận định.
Cùng quan điểm ấy, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan quản lý sẽ phối hợp để đề ra các tiêu chí cụ thể, phù hợp nhằm thu hút các dòng vốn FDI tốt, loại bỏ các dự án FDI kém hiệu quả.
Ông Hoàng cũng cho biết thêm, ngay trong tháng 1/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư FDI đến năm 2020 trình lên Chính phủ.
Dự thảo Nghị quyết này sẽ quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan liên quan cũng như đề ra cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp phép từ Trung ương đến địa phương để hoạt động quản lý đầu tư FDI đạt hiệu quả, góp phần khơi dậy nguồn lực đầu tư và phương thức đầu tư mới có sức lan tỏa rất cao này.