70 năm giải phóng Thủ đô

Chống đầu cơ, găm giữ ngoại tệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 15/2015 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

 Mấu chốt của Thông tư 15 (có hiệu lực ngay từ 5/10/2015) thể hiện rõ mục đích chống đầu cơ, găm ngoại tệ. Bởi Thông tư quy định khi tham gia các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng được phép, khách hàng phải xuất trình giấy tờ và chứng từ cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, số lượng, loại ngoại tệ, thời hạn thanh toán, chuyển tiền theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Quy định này bắt buộc với cả mua ngoại tệ trong giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, hoặc mua quyền chọn mua ngoại tệ.
Chống đầu cơ, găm giữ ngoại tệ - Ảnh 1
Tổ chức tín dụng được phép khi thực hiện các giao dịch ngoại tệ với khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo giao dịch ngoại tệ được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Không những thế, Thông tư 15 còn quy định chặt chẽ thêm bằng việc chốt thời điểm thanh toán giao dịch. Cụ thể, ngày thanh toán trong giao dịch giao ngay, giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không được quá 2 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch. Còn ngày thanh toán trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi là ngày cuối cùng của kỳ hạn giao dịch.

Trong trường hợp bán ngoại tệ cho các giao dịch chưa đến hạn thanh toán, đối với các đề nghị của khách hàng dùng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ, ngoài việc khách hàng phải xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng từ như quy định, thì nếu hạn thanh toán từ 3 ngày trở lên tổ chức tín dụng được phép chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn.

Như vậy, với các quy định này được thực thi nghiêm, nếu khách hàng chưa có nhu cầu thánh toán ngay (trong vòng 2 ngày làm việc) như quy định, sẽ không có cơ hội mua được ngoại tệ giao ngay để găm giữ như trước khi có Thông tư 15/2015 hiệu lực.

Hơn nữa, với kỳ hạn của giao dịch theo kỳ hạn được quy định tối thiểu 3 ngày, tối đa 365 ngày. Tuy nhiên, khách hàng không thể lách luật để nhận ngoại tệ từ ngày thứ 4 trong giao dịch kỳ hạn nhằm găm giữ, dù chưa đến thời điểm thanh toán, vì Thông tư 15 “chặn” bằng quy định: “Ngày thanh toán trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi là ngày cuối cùng của kỳ hạn giao dịch.