Chống hàng giả phải bắt đầu từ nhận thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người tiêu dùng (NTD) thường nghĩ, hàng giả chủ yếu xuất hiện ở những mặt hàng cao cấp, còn hàng tiêu dùng phổ biến ít khi bị làm giả, nhưng tại Triển lãm Hàng thật - Hàng giả cho thấy, hàng giả xuất hiện ở mọi mặt hàng.

Hàng gì cũng bị làm giả

Với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã khởi động Tuần lễ truyền thông nâng cao nhận thức về công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Triển lãm Hàng thật - Hàng giả (trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam 2014).

Không ít người xem ngỡ ngàng trước những chiếc điện thoại iPhone 5, iPhone 5s giả có độ tinh xảo, giống đến mức bằng mắt thường không thể phân biệt được. Không chỉ mặt hàng iPhone cao cấp bị làm giả mà  không ít sản phẩm tiêu dùng như đồng hồ Casio cũng bị làm giả khó mà có thể phân biệt với hàng chính hãng. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, để nhận biết được đồng hồ Casio có giả hay không, NTD cần lưu ý về độ bóng của sản phẩm, hàng thật có độ bóng cao, tem nhãn mác và các ốc vít được làm sắc nét, chắc chắn. Trong khi đó, tại gian hàng của Công ty CP Cao su Sao Vàng có trưng bày những sản phẩm săm lốp giả nhãn hiệu SRC giống hệt hàng thật. Nhiều khách tham quan đến Triển lãm mới rõ sản phẩm bột ngọt Ajinomoto bị làm giả có bao bì in không sắc nét, không có hạn dùng hay địa chỉ nhà sản xuất, trọng lượng lên đến 454g/gói, trong khi trọng lượng chuẩn của hãng Ajinomoto tại Việt Nam là 400g/gói…

 
Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Trần Việt
Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Trần Việt
Ông Vương Trí Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hàng giả, hàng nhái dù có "tinh xảo" đến đâu nhưng cũng có những chi tiết mà nếu được phổ biến, tuyên truyền NTD cũng có thể nhận biết được. Chẳng hạn, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bị làm giả như dầu gội đầu, bột ngọt, xà  phòng… mà lực lượng QLTT thu giữ cho thấy, so với hàng thật thì hàng giả nếu quan sát kỹ vẫn có thể phát hiện vết dán trên bao bì hay bị chờm xuống dưới, vết hàn thường nham nhở, có bọt khí. Dầu gội đầu gói nhỏ Clear, Dove giả thường có lỗi chính tả, phần xé của gói dầu không đều, cái thì xé bên trái, cái thì xé bên phải…

Liên kết chống hàng giả

Số liệu của Cục QLTT cho thấy, mỗi năm, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ hàng giả. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 866 vụ hàng giả, phạt tiền 5,42 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Số vụ vi phạm ngày càng gia tăng và thủ đoạn ngày càng tinh vi, hàng giả, hàng nhái đã gây thiệt hại lớn cho NTD.

Để chống lại vấn nạn hàng giả hiệu quả, theo đại diện Cục QLTT, bên cạnh việc đẩy mạnh  kiểm tra thị trường, các lực lượng chức năng cần tăng cường liên kết, phối hợp với DN và NTD. Theo ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Việt Nam, NTD hiện chưa có thói quen tẩy chay hàng giả, điều này khiến hàng giả, hàng nhái còn đất sống. Điều đó cho thấy việc cần thiết phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của NTD hiểu rõ hơn tác hại của hàng giả tới nền kinh tế, sản xuất trong nước… qua đó, mạnh dạn tố giác các cơ sở làm hàng giả với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm giả.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến tình trạng còn nhiều DN chưa biết cách bảo vệ thương hiệu, thậm chí không quan tâm đến việc này cũng như các giải pháp công nghệ bảo vệ sở hữu trí tuệ. Và một khi DN bất hợp tác, cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chống hàng giả. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ đồng loạt yêu cầu các DN, cửa hàng kinh doanh phải ký cam kết 3 nội dung: Không buôn lậu, không buôn bán hàng giả và không bán hàng cấm. Tạo kênh tiếp nhận thông tin để mọi người dân khi phát hiện việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả có thể nhanh chóng gửi thông tin tố giác đến lực lượng chức năng để kịp thời xử lý. Cùng với đó, lực lượng QLTT cũng đẩy mạnh hơn việc phối hợp với các lực lượng công an, hải quan, biên phòng, qua đó chủ động phòng ngừa, truy quét tận gốc những cơ sở sản xuất, vận chuyển hàng giả ở cả khu vực biên giới lẫn nội địa.
Phải hướng tới đối tượng là NTD, đặt vào vị trí của NTD để giúp họ nhận biết hàng thật, hàng giả một cách hiệu quả nhất, từ đó lựa chọn sản phẩm một cách tốt nhất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải