Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống hàng lậu - hàng giả: Cơ chế phối hợp vẫn là khâu yếu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đòi hỏi đẩy mạnh phối hợp giữa các lực lượng chức năng, giữa Hà Nội với các tỉnh, thành, đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389) Hà Nội chiều 4/1.

Đối tượng nước ngoài tham gia buôn lậu

Giữa tháng 11/2017, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra Công ty TNHH ATI Việt Trung (quận Hà Đông), Giám đốc Công ty là người Trung Quốc, đã phát hiện lượng hàng kim khí nhập lậu trị giá khoảng 709 triệu đồng. Đây là vụ việc điển hình trong số nhiều vụ việc có yếu tố người nước ngoài tham gia đường dây buôn lậu bị lực lượng chức năng Hà Nội triệt phá trong năm 2017. Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Nhằm đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng lậu buôn thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc). Điều này khiến việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ...

Hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Viết Thành

Đại diện BCĐ 389 các quận, huyện cũng nêu một số thực trạng như, nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng việc ghi hóa đơn thấp hơn so với giá trị hàng hóa thực tế để hợp thức lô hàng bị kiểm tra, khiến lực lượng chức năng thiếu căn cứ để xử lý. Bên cạnh đó, một số chủ sở hữu nhãn hiệu còn thiếu sự phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng nên việc cung cấp thông tin về hàng thật, hàng giả còn chưa kịp thời.

Đẩy mạnh phối hợp

Để khắc phục những khó khăn này, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, BCĐ 389 Hà Nội kiến nghị: Trong thời gian tới, Chính phủ rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu phối hợp với TP Hà Nội, từ đó ngăn chặn vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hùng đề nghị: Trong quá trình kiểm tra, xử lý phải đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phân định rõ trách nhiệm theo phạm vi từng khu vực, ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng BCĐ 389 Hà Nội nhấn mạnh: Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra các mặt thiết yếu phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế và NN&PTNT xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh ATTP trong năm 2018, trước mắt là Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng T.Ư và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Năm 2017, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 vụ (tăng 2.554 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2016); khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng; tổng thu nộp ngân sách 3.954 tỷ 246 triệu đồng.
Một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình điều tra và xử lý. Điều 153 Bộ Luật Hình sự quy định: Tội buôn lậu có hành vi “Buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Nhưng để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó cho nên phần lớn các vụ buôn lậu lớn tuy bị bắt giữ nhưng không khởi tố được các đối tượng phạm tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn
Trong thời gian tới, BCĐ 389 Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng tập trung điều tra và tăng cường kiểm tra, ngăn chặn từ xa không để tình trạng hàng hóa vi phạm vận chuyển vào địa bàn để phân tán. Đồng thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư hướng dẫn chi tiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân