Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống hàng lậu - hàng giả: Vẫn thiếu sự phối hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do việc quản lý giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ và còn chồng chéo nên tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả ngày càng khó kiểm soát. Để công tác này đạt hiệu quả, trong thời gian tới, rất cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cơ quan và chính quyền địa phương.

Chưa đồng bộ

Số liệu của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tại hội nghị tổng kết năm (tổ chức ngày 14/1) cho thấy, năm 2012, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã xử lý 8.754 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… thu về cho Nhà nước trên 65 tỷ đồng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường nhưng chưa phát hiện được những đường dây ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn.

 Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động này chưa đạt kết quả như mong muốn là do sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ, còn mang tính cục bộ, có lúc còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất quản lý từ trên xuống dưới. Trong khi đó, tại một số địa phương, hoạt động phối hợp giữa lực lượng chức năng với doanh nghiệp và chính quyền địa phương vẫn lỏng lẻo. Điều này dẫn đến việc giải quyết một vụ buôn lậu, hàng giả là phải giải quyết làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương trong việc xử lý hàng lậu, hàng giả. Ông Lương Thế Vinh, Phó đội trưởng Đội QLTT số 7 Chi cục QLTT Hà Nội bức xúc: Vừa qua, lực lượng công an và QLTT bắt giữ mỡ động vật không rõ nguồn gốc nhưng đến khi xử lý thì không cá nhân, đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Chống hàng lậu - hàng giả: Vẫn thiếu sự phối hợp - Ảnh 1

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra  số hàng lậu bị thu giữ. Ảnh: Hoài Nam

Mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường, chống buôn lậu nhưng trong thời gian qua, tình trạng này vẫn không ngừng gia tăng. Để đối phó, dân buôn lậu tìm ra nhiều thủ đoạn mới tinh vi như sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không phù hợp với hàng hóa, hàng không nguồn gốc trà trộn với hàng trong nước; Ghi hạn sử dụng mới cho sản phẩm đã quá hạn lưu hành; Hàng hóa sản xuất ở nước ngoài dán nhãn mác hàng Việt Nam chất lượng cao…

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) cũng đưa ra những mánh khóe mới: Dân buôn lậu lợi dụng chính sách cho phép Việt kiều hồi hương để trốn thuê, nhập khẩu mặt hàng xe ô tô nguyên chiếc. Riêng địa bàn Hà Nội, hiện có khoảng 100 xe ô tô được nhập lậu theo phương thức này. Trong khi đó, dân buôn lậu gà hiện không sử dụng xe ô tô tải để vận chuyển mà dùng xe chở khách, điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra…

Đẩy mạnh phối hợp

Trong năm 2013 dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ có biến chuyển khả quan, đặc biệt trong tháng áp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, hàng giả gia tăng. Nhiều đại biểu đề xuất, để chống hoạt động buôn lậu, hàng giả đạt hiệu quả hơn, trong thời gian tới các lực lượng chức năng cần tăng cường việc trao đổi thông tin chống buôn lậu, gian lận thương mại với các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, cùng với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Trong thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng gia cầm, UBND các cấp cũng cần tích cực "vào cuộc". "Chính Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả sự phối hợp của các lực lượng từ T.Ư đến địa phương trong việc trao đổi thông tin chống buôn lậu, sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng quy chế phối hợp lực lượng chuyên ngành với các tỉnh, thành theo từng tuyến giao thông nhất định; Thành lập hệ thống dữ liệu, thông tin liên quan đến hoạt động chống buôn lậu chung cho tất cả các lực lượng tham gia hoạt động này.