Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống lãng phí để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời điểm cần gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bởi thế, chống lãng phí càng phải được quyết liệt hơn nữa” - PGS.TS Lê Văn Cương nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc

Trong thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh quan điểm, phải xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như nhiều ý kiến đã nhận định, đây thật sự là những thông điệp để khởi động lại, tạo ra động lực mới trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài; chống lãng phí thành công, góp phần tăng thêm nguồn lực để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)
PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

- Tôi rất đồng tình với nhận định này. Trước hết chúng ta phải nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí. Người đã chỉ rõ, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, đó là: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.

Không phải để bây giờ chúng ta mới quyết tâm chống lãng phí, năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên. Nhưng thực tế, lãng phí vẫn ăn sâu vào đời sống xã hội, kinh tế, để lại những hệ quả cực kỳ nghiêm trọng đối với phát triển. Lãng phí xuất hiện ở nhiều nơi, dưới nhiều dạng thức, từ những lãng phí có thể nhìn thấy đến những dạng “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng…

Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, trong đó, Điều 3 có quy định là cán bộ, đảng viên phải tiết kiệm, hiệu quả, không xa hoa, lãng phí thời gian, công sức và các nguồn lực xã hội khác. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí.

Đặc biệt, các bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Những định hướng của Tổng Bí thư chính là thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó thật sự là khởi động lại, tạo ra động lực mới trong cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài này.

Chống lãng phí chưa thực sự hiệu quả bởi chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

- Đấy cũng là một trong những nguyên nhân. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở, có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí, đó là Điều 179 tội thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, DN và Điều 219 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trên thực tế, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.

Chúng ta phải nhìn sang các nước phát triển, họ rất coi trọng vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là chống lãng phí tiền bạc, của cải, tài sản công, cần, kiệm xây dựng đất nước. Đồng thời, mở rộng nhận thức chống lãng phí về thời gian, nguồn lực, nhất là nhân lực, lãng phí tài nguyên và nhiều lĩnh vực, nguồn lực khác. Phải biết quý từng giây, từng phút, từng giờ để lao động, làm việc, học tập có hiệu quả, năng suất cao. Tranh thủ thời gian để phát triển đất nước nhanh, bền vững, thúc đẩy nhanh quy mô, tốc độ, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế.

Chuyển động trong thực tiễn

Trong thời gian gần đây, sau những chỉ đạo, định hướng mạnh mẽ của Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thúc đẩy các cấp, ngành, đơn vị vào cuộc mạnh mẽ hơn, tạo ra những hiệu quả bước đầu trong thực tiễn, thưa ông?

- Đúng vậy. Đây là những điểm rất mới chúng ta có thể nhìn nhận được từ thực tiễn. Sự quyết liệt không chỉ thể hiện ở trong các quan điểm chỉ đạo, những định hướng mới, mà thể hiện trong chính hành động của các cấp, ngành. Như tại Hà Nội, đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí; các bộ, ngành cũng vào cuộc trong xử lý các dự án chậm triển khai; công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được làm quyết liệt…

Qua theo dõi thông tin tôi nhận thấy, thời gian qua, báo chí hay nhắc đến những dự án kéo dài, để hoang phí như dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (tại Hà Nam), sau những chỉ đạo của T.Ư, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết dứt điểm với yêu cầu cụ thể về thời gian phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đây là những thông tin được dư luận, người dân rất đón nhận và mong chờ. Nhiều dự án tiền tỷ đắp chiếu, những khu nhà có giá trị lớn nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực cũng được rà soát, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và thực hiện các giải pháp khắc phục, xử lý. Điều đó cho thấy những bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động thực tiễn.

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”… Đó là những yêu cầu được đặt ra để phòng, chống lãng phí thực sự hiệu quả, triệt để. Theo ông, để làm được điều này, có vấn đề gì cần lưu ý?

- Như chúng ta đã thấy, hiện cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, các quy định về phòng, chống, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, về mặt hành chính, pháp luật đối với các hành vi vi phạm đến việc thực hành tiết kiệm, để xảy ra lãng phí đều đã có. Vấn đề còn lại của chúng ta bây giờ là việc tổ chức thực hiện và thực hiện, làm sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo tôi, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm, cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức, để chống lãng phí phải trở thành lối sống, ý thức của mỗi cá nhân - đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm.

 

Lãng phí không chỉ xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị mà nó xuất hiện xung quanh cuộc sống hằng ngày. Do đó, rất cần phát huy vai trò của Nhân dân trong việc giám sát các hoạt động về chống lãng phí hằng ngày, hằng giờ. Đồng thời, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong các lĩnh vực, để người dân giám sát, phát hiện tình trạng lãng phí.
PGS.TS Lê Văn Cương

 

Giải pháp dài hạn cần đặc biệt quan tâm nữa là thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, ý thức tốt, trách nhiệm cao thì mới tránh được tình trạng thực hiện chống lãng phí hình thức. Khi chúng ta chống lãng phí đồng bộ, thành công sẽ góp phần quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển bứt phá.

Xin cảm ơn ông!