Dù thực trạng này không khó để nhận diện, nhưng để triệt tiêu không hề dễ nếu không có những giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của nhiều phía.
Tham nhũng, lãng phí từng được ví như “anh em sinh đôi”, “cùng hội, cùng thuyền”. Điều đó cho thấy những thiệt hại mà lãng phí gây ra không nhỏ. Trong khi ngân sách hạn chế, chi cho đầu tư phát triển phải tính “nát nước nát cái”, thì vẫn còn những dự án triển khai kiểu “rùa bò”, những hội nghị, cuộc học tập kinh nghiệm… được tổ chức lãng phí. Hay không ít những dẫn chứng thực tiễn về việc lãng phí trong các lễ động thổ, khởi công, khánh thành rất lớn cũng đã được chỉ ra.
Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến chống tham nhũng mà coi nhẹ chống lãng phí là đang đi “lò cò” một chân trong bảo vệ tài sản Nhà nước, trong đó có những đồng tiền được đóng góp từ công sức của người dân.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến đã chỉ ra, việc đánh giá vẫn quá đậm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các mảng của lĩnh vực công mà không đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực xã hội, người dân. Một ví dụ sinh động là một năm chúng ta tổ chức quá nhiều lễ hội, gây lãng phí nguồn lực, trong đó có cả những lễ hội nội bộ như ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ…
Do các quy định không sử dụng ngân sách Nhà nước vào tổ chức lễ hội nên thành “phong trào”, nhiều địa phương đã tích cực huy động nguồn lực, tiền của của xã hội, DN, các tổ chức, cá nhân… để tổ chức. Rồi từ việc tổ chức lễ hội, nhiều địa phương còn huy động để tổ chức lễ kỷ niệm, in ấn các kỷ niệm chương hoành tráng gây lãng phí và tốn kém...
Đúng như quan điểm đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, không dùng tiền ngân sách Nhà nước nhưng dùng nguồn lực của xã hội thì vẫn là lãng phí. Bởi đổi lại, nếu dùng số tiền huy động được ấy để dành cho dân, cho cuộc sống của người dân như làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo hay huy động nguồn lực xã hội để ứng phó biến đổi khí hậu thay vì để bắn pháo hoa hay tổ chức những lễ hội rất to, có lẽ sẽ ý nghĩa hơn nhiều.
Năm nay, nhiều mục tiêu cụ thể cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã được đưa ra. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần tính đến cả những yếu tố như diễn biến phức tạp và tác động của đại dịch Covid-19, để thay đổi những quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành. Để qua đó, việc tiết kiệm, chống lãng phí không phải chỉ tiết kiệm tiền bạc từ ngân sách, mà còn tiết kiệm công sức lao động, tiền bạc từ xã hội, tài sản, tài nguyên từ thiên nhiên...
Kinh nghiệm ứng phó, xử lý dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cũng đã gợi ra nhiều vấn đề phải nhìn nhận lại cách sống, cách kiểm soát các vấn đề của xã hội để từ đó có hướng thay đổi nhận thức về các lễ hội, giao lưu…, để tiết kiệm được rất lớn không chỉ nguồn lực của Nhà nước mà của toàn xã hội phục vụ cho những mục tiêu an sinh thiết thực hơn.