Chống lãng phí tài sản công: Cần minh bạch trong thực thi pháp luật

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, sau hàng loạt “lùm xùm” trong quá trình đấu giá tài sản công, đặc biệt với tài sản liên quan đến đất đai trong DN cổ phần hóa khiến dư luận quan tâm sâu sắc.

Sự thiếu minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật khiến nhiều người rơi vào vòng lao lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ việc này.

Chồng chéo về quy định

Ngày 6/6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng: Tề Chí Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Hồ Thị Thanh Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - SADECO, Vũ Xuân Đức - nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty IPC, Trần Đăng Linh - nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty IPC, về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí do sai phạm chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Những đối tượng này cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO.

Đấu giá tài sản công cần phải minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật. Ảnh: Doãn Thành
Đấu giá tài sản công cần phải minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật. Ảnh: Doãn Thành

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Lê Tấn Hùng cùng 19 bị cáo khác trong vụ chuyển nhượng trái pháp luật khu nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9, nay thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt SAGRI), gây thất thoát hơn 672 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Lê Tấn Hùng trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc SAGRI, được giao quản lý vốn của Nhà nước tại DN, chỉ đạo và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi trái pháp luật chuyển nhượng dự án, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, lãnh 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, tổng hợp hình phạt 25 năm tù.

Đáng chú ý, sau khi nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ bị xử lý hình sự liên quan đến sai phạm kéo dài về quy định quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khiến cho lãnh đạo đương nhiệm của SAGRI trở nên không “mặn mà” với hàng chục tài sản nhà đất giá trị lớn đang được giao quyền sử dụng, quản lý, dù đơn vị này quản lý tới 42 mặt bằng, nhưng thực tế chỉ sử dụng khoảng 20 mặt bằng.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp nổi cộm về những sai phạm liên quan đến đấu giá tài sản công, đã chỉ rõ sự yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước và sự chồng chéo trong quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

“Tình trạng lãng phí, yếu kém tại một số DN Nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó do sử dụng, quản lý không tốt và cả nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật còn chồng chéo khiến đất đai không sử dụng được” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết nhận xét.

Tập trung xem xét quy định về đất đai

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6 trong phiên trả lời chất vấn về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là “nút thắt” trong quá trình cổ phần hóa và chậm cũng từ khâu này.

Tài sản của DN Nhà nước gắn liền với đất thuê hàng năm, không tính vào giá trị DN, nhưng nếu nộp tiền đất một lần được tính vào giá trị DN thì đây cũng là lỗ hổng gây thất thoát, lãng phí.

“Cổ phần hóa DN Nhà nước gây thất thoát rất nhiều, chủ yếu từ đất, chẳng hạn như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Tân Thuận..., cốt lõi ở chỗ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi được phê duyệt cho thuê đất, DN nộp tiền một lần 50 năm, nhưng diện tích đất này chuyển qua DN tư nhân, DN cổ phần lại xin phê duyệt chuyển mục đích sử dụng, giá đất được tính lại nhưng không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích.

Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất trong công tác cổ phần hóa DN Nhà nước là về đất đai, nguyên nhân chủ yếu do: Chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm; nhiều DN khi thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai, làm chậm quá trình; đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai nên quy trình xử lý gặp khó khăn, thời gian kéo dài; và vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung tại các Nghị định 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP...

Chính vì vậy, giải pháp chống thất thoát đất công cần tập trung xem xét quy định về xử lý đất đai đối với DN quản lý nhiều đất đai, đặc biệt ở vị trí lợi thế thương mại cao; đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho DN để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao nhưng không được sử dụng trước khi cổ phần hóa; bổ sung chế tài đối với việc DN làm thất thoát diện tích đất Nhà nước giao trong quá trình sử dụng...

Về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, cần tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của DN; bổ sung quy định hướng dẫn điều kiện cổ phần hóa, nhu cầu sử dụng đất của DN sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị DN để xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, chiến lược phát triển DN. Trường hợp đề xuất sử dụng đất của DN chưa phù hợp phải trả lại Nhà nước sử dụng vào mục đích khác; đồng thời hạch toán giảm tài sản, vốn Nhà nước theo giá trị tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN và DN cổ phần hóa báo cáo cơ quan địa phương về toàn bộ diện tích đất sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa” - chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nhìn nhận.

 

"Chế tài để xử lý hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công cơ bản được thiết lập một cách tương đối đầy đủ, đồng bộ, có tính răn đe. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/2019/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công." - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh