Chóng mặt với giá cả thực phẩm ngày tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá các mặt hàng thiết yếu ở TP.Hồ Chí Minh trong những ngày giáp tết đang tăng chóng mặt. Tại các chợ dân sinh, cùng một mặt hàng nhưng sáng bán một giá, chiều lại tăng giá…

Mỗi nơi mỗi giá

Sáng ngày 4/2, ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Bến Thành (Q.1), Nguyễn Tri Phương, Hòa Hưng (Q.10), Lê Văn Quới (Q. Bình Tân), Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp)… nhiều mặt hàng rau củ quả, trái cây đã rục rịch tăng giá. 

Bà Hải (ngụ Q.5) than thở: “Mới hôm qua (4/2) cà chua Đà Lạt loại 1 chỉ 15.000đ/kg thì sáng hôm nay đã nhảy lên hơn 20.000đ/kg, có nơi còn hét giá 25.000đ/kg. Các loại củ như cà rốt, củ cải trắng, su hào… giá cũng trên 30.000đ/kg. Tuy giá cao nhưng tôi vẫn phải mua nhiều để dự trữ vì sợ vài ngày tới giá còn cao hơn”.
Siêu thị đua nhau khuyến mãi để hút khách
Siêu thị đua nhau khuyến mãi để hút khách
Tại các “chợ nhà giàu” tập trung quận 1, 3, 10… giá cả cũng đội lên từ 15 – 20%. Các tiểu thương cho hay, do mặt hàng nông sản ở đây đều có chất lượng loại 1 về độ tươi ngon nên giá cả đắt hơn là đương nhiên. Hơn nữa, người dân mua các loại rau củ như: dưa chua, hành, kiệu… muối dưa, làm dưa món tăng cao, rau củ không đủ cung cấp khiến cho thực phẩm đội giá. Dự báo, trong vài ngày tới, giá rau xanh sẽ không hạ nhiệt và sẽ còn duy trì qua sau tết.  

Ở mỗi chợ đều đưa ra giá cả khác nhau và chênh lệch nhau từ 10.000 – 30.000 đồng cho mỗi kg thực phẩm. Đơn cử như cá kèo tại một chợ tự phát trên đường Lê Văn Quới (Q. Bình Tân) có giá 85.000đ/kg, tăng 15% so với ngày thường, còn với chợ Bình Long lại có giá 90.000đ//kg. Tương tự, thịt bò có giá từ 220.000đ – 250.000đ/kg, tăng 15%; thịt gà ta cũng có giá từ 150.000đ – 160.000đ/kg, tăng 20%.

Trái cây là mặt hàng biến động nhiều nhất trong ngày. Tại chợ Bến Thành, trái cây trong nước như bưởi da xanh ruột hồng giá 100.000đ/kg lúc sáng sớm, đến trưa lại nhảy lên 150.000đ/kg. Với thơm kiểng chưng tết 70.000đ/trái, thanh long 60.000đ/kg, xoài cát Hòa Lộc 80.000đ/kg nhưng cũng lên xuống thất thường. Chưa kể, cùng gian hàng trái cây nhưng mỗi sạp lại có giá chênh nhau từ 5.000đ-7.000đ… 

Theo nhiều bà nội trợ, trái cây nội ngày tết có “giá ngoại”, như cam bưởi, vú sữa ngày thường chỉ vài chục ngàn thì nay vọt lên cả trăm ngàn đồng/kg. 

Giá cả trong siêu thị ổn định

Giá cả chợ lẻ thất thường, nhiều người chọn siêu thị “gửi tết”. Nắm bắt nhu cầu người dân, các siêu thị “bình ổn” như Co.opmart, Big C, Satra… tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng.

Hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước đồng loạt áp dụng giảm giá cực mạnh cho các loại giò chả và lạp xưởng cùng hàng loạt các sản phẩm chuyên biệt phục vụ Tết khác trong chương trình “10 ngày giảm giá hết ga”.

Theo đó, lạp xưởng tươi, lạp xưởng Mai Quế Lộ, chả lụa tươi, giò bò đặc biệt, giò lụa không hàn the, giò lụa bì, chả hoa đông lạnh… chỉ còn ở mức 79.900 đồng/500gr lạp xưởng và 74.600 đồng/đòn 500gr chả lụa. Các mặt hàng chế biến sẵn, mứt dừa, hạt điều, bánh ngọt, nho Mỹ khô, dầu ăn, củ kiệu, hạt nêm… cũng được luân phiên giảm giá mạnh.

Còn hệ thống Big C niêm yết giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói, hóa mỹ phẩm, bia rượu, nước giải khát, các loại bánh, kẹo, mứt, lạp xưởng… 

“Hệ thống siêu thị Big C cam kết có đủ nguồn hàng ngay cả vào thời điểm trước và sau Tết, nhất là đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm…”, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C chia sẻ.

Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng cho biết toàn hệ thống phân phối Satra cam kết không tăng giá hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2016, đặc biệt là những mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, trong đó hàng bình ổn thị trường của Satra luôn thấp hơn từ 5-10% so thị trường, ngay cả lúc cao điểm tết.

Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nay, TP. Hồ Chí Minh đã chi trên 16.000 tỷ đồng để phục vụ cho việc dự trữ hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp trước và sau tết Bính Thân 2016. Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. TP đã đã phát triển được 9.205 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn, tăng 238 điểm so với năm 2014. Tuy nhiên, do lượng người mua sắm tết quá đông, tập trung trong cùng thời điểm nên tại các chợ lẻ vẫn còn xảy ra tình trạng tiểu thương nói thách, đẩy giá lên cao. Vì vậy, người dân nên chọn những điểm bán hàng uy tín và báo với ban quản lý chợ nếu thấy tiểu thương bán hàng với nhiều giá cả bất hợp lý”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần