Tuy nhiên đây không phải cách thức duy nhất giúp đạt hiệu quả giảm nhiệt trong ngôi nhà vùng nhiệt đới.
Từ xưa, các tư liệu phong thủy đã lưu truyền giải pháp tạo nên vùng mát tự nhiên (gọi là mát âm) cho nhà mà đến nay rất trùng khớp với các nguyên tắc thiết kế nhà sinh khí hậu thời hiện đại.
Mỗi miền đất, dân tộc đều có những kinh nghiệm, cân nhắc giải pháp giữa hình thức kiến trúc với tính năng kỹ thuật sao cho ngôi nhà chịu đựng được sự thay đổi của thời tiết bên ngoài, cũng như tạo nên môi trường sống tốt bên trong.
Nhìn trở lại ngôi nhà dân gian Việt, hầu hết giải pháp xử lý đều xoay quanh vấn đề thích ứng với khí hậu nhiệt đới, biểu hiện qua việc đóng và mở ở nhiều mặt.
Đóng – mở về cấu trúc
Khi vật liệu chưa đa dạng như hiện nay, nhà Việt xưa đã biết chống nóng hiệu quả từ khâu chọn lựa cuộc đất, đắp nền cao để gió mát thổi vào, đào ao tạo mặt nước điều hòa mát mẻ, trồng cây che nắng gắt, xoay cửa rộng sang hướng tốt, làm tường đầu hồi về phía nắng xấu.
Những thủ pháp đó tới nay vẫn luôn là bài học sống động như một phần di sản văn hóa ứng xử với tự nhiên mà cha ông truyền lại.
Chống nóng, đón gió mát luôn đi đôi với cách nhiệt đúng cách, bởi việc cách nhiệt này còn tính toán kết hợp đến yếu tố mùa đông lạnh giá hay mùa mưa bão dầm dề, chứ không chỉ mở thông thống cho thoáng là xong. Như vậy, ngay từ thuở xa xưa, ngôi nhà Việt đã biết đóng mở tương ứng với khí hậu rồi.
Kiểu nhà biệt thự Pháp xây trước đây ở Việt Nam luôn mát mẻ, đã thành câu truyền tụng “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây”. Phân tích kỹ sẽ thấy hệ thống tường bao dày cộng hành lang và hệ cửa lam chớp là những giải pháp “đóng mà mở” khôn khéo của “nhà Tây”.
Đóng bằng tường dày phía nắng gắt giúp cách nhiệt tốt hơn, và mở phía đối diện giúp tạo đối lưu khí tốt hơn.
Nhà hiện đại vì vấn đề “tấc đất tấc vàng” đã làm tường mỏng hơn, kính nhiều hơn và dùng mái bằng nên việc chống thấm chống nóng khó hơn là hệ mái dốc vươn rộng, vừa thoát nước mưa nhanh vừa làm “chiếc nón kỳ diệu” để che nắng.
Việc bố trí các mảng lồi hay lõm, cong hay thẳng, vuông hay tròn của mặt ngoài nhà cũng gắn liền với hài hòa Âm Dương để ngôi nhà sẽ mát hơn hay nóng hơn tùy thuộc hướng tiếp xúc. Do đó khó có thể áp dụng một mẫu mặt tiền (dù đẹp) ở hướng này vào hướng nhà khác.
Việc đóng kín nhiều tạo khối quá thuần Dương (khối đặc) sẽ gây bít bùng nặng nề, tù hãm Nội Khí. Ngược lại, việc mở bung nhiều mảng Âm (rỗng) sẽ tạo trống trải xuyên thấu gây Tán Khí, bất an.
Đóng – mở với bao cảnh
Yếu tố bao cảnh bên ngoài nhà cũng gây tác động khiến nhà trở nên mát hơn hay nóng hơn, dẫn đến tính toán hình khối, thiết kế bao che và trổ cửa cho phù hợp.
Những nơi trống trải thì gió luân chuyển mạnh, như nhà gần công viên, ven sông, biển, trục đường lớn… và cần thiết kế hình khối mang tính khí động học mềm mại để dẫn gió men theo các mảng cong, giảm áp lực gió ngang.
Nhằm tránh kiểu “gió vào nhà trống” thì những bình phong (thiên nhiên hay nhân tạo) rất cần thiết để giảm bớt tốc độ gió, hướng luồng không khí lan tỏa quanh co chứ không Trực Xung, phân tán khí nóng.
Bình phong là chi tiết phong thủy rất hài hòa Âm Dương, vì không quá Dương mà cũng không thuần Âm, bố trí nhẹ nhàng, linh hoạt nên khá hiệu quả ở những vùng khí hậu khắc nghiệt như miền Trung, ven biển.
Bình phong ở nhà vườn Huế hòa lẫn với cảnh quan, có thể là mảng tường xây gạch, hay rào cây xén tỉa tạo dáng trang trọng, trở thành chi tiết phong thủy – kiến trúc khá đặc sắc và hữu dụng.
Việc cách nhiệt từ trên xuống thông qua kết cấu cũng là vấn đề liên quan đến đóng và mở. Mái bằng giúp tăng diện tích sử dụng nhưng cũng tăng bề mặt đón nhận bức xạ nhiệt, chịu mưa nắng rất nhiều.
Làm mái bằng đồng nghĩa với khai thác không gian trên mái như trồng cây, làm dàn lam, tạo chỗ thư giãn, phơi đồ, tập thể dục… chứ đừng để tấm mái trơ trọi, mà phải bố trí nhiều lớp cách nhiệt, chống thấm và bố trí sinh hoạt hiệu quả.
Nếu thấy bản thân và gia đình ít thời gian và không có khả năng sử dụng hiệu quả mái bằng thì nên làm mái dốc ngay từ đầu sẽ kinh tế và hiệu quả hơn.
Đối với mái dốc, dù lợp bằng vật liệu dày (tôn cách nhiệt, ngói, thậm chí đúc bê tông rồi dán ngói lên) thì vẫn phải lưu ý làm khoảng trống thông gió tạo vùng mát âm dưới mái.
Khoảng trống này có thể là một sàn sử dụng làm kho, cũng có thể chỉ là khoảng trần đóng ngang hoặc đóng nghiêng theo mái, nhưng luôn đảm bảo có khoảng hở thông cho gió ra gió vào để tránh tích tụ nhiệt.
Đóng – mở qua vận dụng Ngũ hành
Trong ngũ hành thì Hỏa đại diện cho năng lượng tích cực của phương Nam, vừa mang đặc thù nóng bức, xung sát.
Hỏa vượng quá thì gia đạo bất an, cho nên những ngôi nhà truyền thống xoay về hướng nam (thuộc quẻ Ly, hành Hỏa) đa phần đều có bố trí hồ nước phía trước để giúp giảm Hỏa vượng.
Vận dụng ngũ hành để giảm Hỏa mà không triệt tiêu Hỏa cho nhà là khéo chọn chất liệu và hình dáng nội ngoại thất để đạt sự cân bằng qua quá trình sử dụng, tránh thiên lệch.
Do tính chất Mộc sinh Hỏa, nên nếu lạm dụng vật liệu gỗ trong nhà nhiều sẽ làm cho cảm giác nóng tăng thêm, nhất là trong nhà phố hẹp.
Những ngôi nhà muốn dùng gỗ nhiều có lẽ nên học tập mô hình nhà vườn truyền thống: dùng Mộc trong thì phải có Mộc ngoài làm xiêm áo che chở.
Những bề mặt gỗ lớn như bình phong, cửa chính, lam che… cần gia công thưa thoáng, tạo hình hấp dẫn để không tạo mảng đặc kín gây bức bối thị giác.
Dùng Thủy khắc Hỏa cũng là cách hiệu quả, từ việc bố trí nhà – ao – vườn theo mô hình sinh thái khép kín truyền thống, cho đến đặt hồ cảnh, làm thác nước nhân tạo, hồ thủy sinh… trong điều kiện đất đai phố thị chật hẹp.
Có thể chọn các khu vực nào trong nhà chịu nhiều bức xạ, hay có nắng chiếu xuống hoặc rọi xiên để bố trí mảng Thủy Tụ, Thủy Luân (nước chảy tuần hoàn) làm mát cho nhà cả về thị giác lẫn khả năng bốc hơi nước.
Giảm Hỏa cho nhà còn là giảm bớt các bề mặt thuộc Kim vốn có tính phản quang nhiều (màu trắng, bạc, ánh kim loại) dễ gây chói chang, nóng bức.
Không phải vô cớ mà nội thất hiện đại sau thời kỳ sơn toàn nhà một màu trắng toát đã thoái trào để chuyển qua nhóm màu trung tính (neutral) mềm mại và dịu mắt hơn, dùng bổ sung hệ lam nhôm màu xám mờ hoặc màu gỗ, lưới thép đục lỗ, tấm ốp 3D bề mặt lồi lõm…
Lý do khá rõ là những bề mặt kể trên “mềm” hơn, không che kín mà thấp thoáng nhiều lớp, giúp thông khí tốt hơn và giảm các ngăn chia phẳng, cứng của hành Kim.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thiết kế nội thất văn phòng không phải lúc nào cách bố trí không gian theo kiểu mở cũng đạt hiệu quả về giao tiếp nội bộ, năng suất làm việc và điều tiết vi khí hậu.
Với những công ty có tính chất khởi nghiệp, diện tích eo hẹp, công việc liên quan đến công nghệ, cần làm việc nhóm, tương tác nhiều… thì bố trí mở khá tốt.
Nhưng với tính chất công việc có yếu tố độc lập cao, cần tập trung cá nhân, cần sự riêng tư để sáng tạo thì vẫn phải bố trí các khoảng đóng.
Đó là chưa kể đến yếu tố máy móc tỏa nhiệt, giấy tờ vật dụng cá nhân khác nhau không thể “lùa” chung trong một môi trường duy nhất sẽ gây ra các va chạm, xung đột không đáng.
Phong thủy văn phòng do vậy luôn đề cao sự hòa hợp trên cơ sở tôn trọng cả tính tương đồng lẫn tính dị biệt. Giảm nóng cho văn phòng vì vậy cũng là chuyện “đóng và mở” sao cho vừa đủ, tránh lạm dụng một phía.
Như vậy, xét cả về mặt vật lý kiến trúc lẫn khoa học phong thủy thì mở cần đi đôi với đóng, mở để đón Cát nhưng phải tránh đưa Hung vào nhà mình.
Như Âm Dương tồn tại trong nhất thể, hai mặt đối lập mà không thể thiếu nhau trong mỗi sự vật, cách mở và đóng cần linh hoạt và hòa hợp để đem lại hiệu quả tốt cho nơi cư ngụ, cho dù nhà có theo kiểu dáng, phong cách nào.