Chống rác thải nhựa trong đại dịch Covid-19

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm triển khai các hoạt động trong phong trào "Chống rác thải nhựa, hướng đến một Việt Nam xanh", Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Bộ TN&MT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan đã phát động chiến dịch "Nói không với ống hút nhựa".

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhất là khi phong trào chống rác thải nhựa tưởng chừng như bị lãng quên bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Cần sự chung tay của cộng đồng

Hơn 2 năm qua, phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần được Chính phủ phát động đã ghi nhận được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân và giúp bùng nổ mua sắm online. Theo một khảo sát, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có đến hơn 75% người dân sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi nở rộ đã khiến lượng rác thải nhựa sử dụng một lần, trong đó có ống hút nhựa tăng lên đáng kể.

Với sự tiện dụng, nhỏ gọn, rẻ tiền, ống hút nhựa là vật dụng quen thuộc được giới trẻ ưa chuộng. Bạn Hoàng Vân Anh, sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngân hàng chia sẻ: "Dịch bệnh tái bùng phát nên sinh hoạt cũng bị thay đổi nhiều. Bình thường em sẽ đến các quán đồ uống, hàng ăn vào những lúc có thể. Bây giờ hàng quán không phục vụ đồ ăn tại chỗ nên em ngồi nhà, đặt Grab và người ta giao hàng tới tận nơi. Tất nhiên, những đồ ăn thức uống này đều sử dụng bao bì nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa. Rác thải nhựa trong nhà em bởi thế cũng tăng lên nhưng cũng không có cách nào khác được".

 Thu gom rác thải trên phố Hoàng Ngọc Phách, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hùng)

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa nói chung và ống hút nhựa nói riêng là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe. Trong mùa dịch Covid-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc xử lý hết các đợt rác thải nhựa trở nên khó khăn hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, rất cần người dân cân nhắc hành vi để hạn chế tối đa sử dụng những sản phẩm nhựa một lần.

Tại chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” do Trung tâm Truyền thông TN&MT tổ chức cuối tuần trước đã kêu gọi sự chung tay hành động của các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là ngành hàng cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh, quán cà phê, rạp chiếu phim, quán trà sữa… những đơn vị đã và đang sử dụng số lượng lớn ống hút nhựa.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, kể từ khi phong trào Chống RTN trên phạm vi toàn quốc được phát động vào tháng 6/2019, điểm sáng lớn là đã tạo được nhận thức rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt, ý thức của giới trẻ về chống rác thải nhựa. Bộ TN&MT cũng xác định, ngoài những kết quả đã đạt được, cần có hành động mang tính cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu đề ra về giảm thiểu rác thải nhựa.

Qua chiến dịch này, Bộ TN&MT mong muốn và yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, siêu thị; xây dựng mô hình điểm hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất túi nilon khó phân hủy…

Đại diện Nestlé Milo Việt Nam cho biết, thông qua việc thay đổi sử dụng ống hút giấy, Nestlé cũng đang góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương mà Việt Nam đề ra. Đến tháng 5/2022, 100% sản phẩm Milo cam kết sẽ chuyển sang ống hút giấy (giảm thiểu khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm) và đến năm 2025 các sản phẩm Nestlé sẽ áp dụng 100% bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng.

Tuy nhiên, bài toán xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa có được lời giải mang tính chất tổng thể, mới chỉ dừng lại ở mô hình xử lý quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, ô nhiễm rác thải nhựa còn liên quan đến sản xuất, tiêu dùng và quản lý rác thải - Đó là những điều cần giải quyết tận gốc và cần sự đồng hành mạnh mẽ hơn nữa không chỉ từ cơ chế, chính sách, sự thay đổi nhận thức của người dân mà còn là chuyển đổi của các tổ chức, doanh nghiệp.

 Chiến dịch nói không với ống hút nhựa với mong muốn lan tỏa và đẩy mạnh phong trào giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa.

Nhiều bất cập còn tồn tại

Được biết, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã từng đưa ra cảnh báo, Việt Nam là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa lớn nhất thế giới. Đồng thời chỉ ra rằng hiện nay trách nhiệm giảm ô nhiễm nhựa chủ yếu đặt vào người tiêu dùng và cơ quan quản lý rác thải, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả trừ khi toàn bộ chuỗi giá trị nhựa cùng bắt tay hành động.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để thay đổi hành vi của người dân, doanh nghiệp và đơn vị với sản phẩm nhựa một lần, phụ thuộc nhiều yếu tố: Cơ chế khuyến khích người dân, sản phẩm thay thế chất lượng, giá thành hợp lý, chế tài quản lý giám sát, đặc biệt là việc thực hiện phân loại rác, công nghệ tái chế,...

"Lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải vẫn được trộn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Đặc biệt, công nghệ tái chế nhựa được sử dụng còn lỗi thời, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả lại càng thấp.

Vì vậy, để phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc thay đổi công nghệ xử lý và tận dụng triệt để nguồn rác thải nhựa. Trong đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua việc phân loại rác thải. Đây là hoạt động quan trọng cung cấp nguyên liệu rác thải nhựa cho các nhà máy" - GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, bãi rác Nam Sơn có nhiệm vụ xử lý rác của 12 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Trong những năm gần đây, khối lượng rác trung bình mỗi ngày đưa vào bãi khoảng 5.000 tấn, tuy nhiên bãi Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều khu xử lý rác thải của nhiều TP lớn cũng như nông thôn.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó khăn này sẽ được Hà Nội giải quyết nhanh chóng khi nhà máy điện rác Sóc Sơn, Hà Nội - nhà máy điện rác lớn, hiện đại nhất  cả nước với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày, chính thức được vận hành từ 1/8/2021 tới. Và việc triển khai thực hiện phân loại rác, tái chế rác thải nhựa sẽ được đầu tư hơn khi Luật sửa đổi Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hy vọng chúng ta có thể tận dụng tối đa nguồn lợi từ rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng" - GS.TS Đặng Kim Chi nhận định.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động, để đến năm 2025 tại các Trung tâm thương mại, siêu thị; các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy (100% thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường). Cả nước giảm 50% mức sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần phục vụ cho mục đích sinh hoạt.


"Cùng chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa, ống hút nhựa sẽ tạo thành một nét văn hóa của Việt Nam, thay đổi hành vi của mỗi người dân. Cùng với nhiều hoạt động và phong trào khác, hi vọng sẽ lan tỏa sức mạnh của tinh thần đoàn kết cùng chung tay gìn giữ bảo vệ môi trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19." - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân