Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống tái nghiện bằng ngôn ngữ tình cảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khả năng thành công 60%, không mất chi phí thuốc, trang thiết bị điều trị, phương pháp chống tái nghiện "Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm" vừa được Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) công bố góp phần giảm áp lực trong công tác phòng, chống tái nghiện ở nước ta.

Tái nghiện lên đến 90%

Số liệu từ Bộ LĐTB&XH cho thấy, tính đến hết tháng 9/2014, nước ta có hơn 204.000 người nghiện ma túy, trung bình mỗi năm có thêm 7.000 người nghiện, ngân sách Nhà nước phải chi hơn 9 triệu đồng cho một người cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn lên đến 90%.

Là người có 6 năm nghiện ma túy, đã cai thành công 14 năm nay, ông Lê Trung Tuấn - Giám đốc PSD chia sẻ: "14 năm qua tôi đi tìm câu trả lời vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuộc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ".
 
Học viên cai nghiện luyện tập thể thao tại Trung tâm Chữa bệnh -  Giáo dục                    lao động xã hội số I, huyện Ba Vì.
Học viên cai nghiện luyện tập thể thao tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số I, huyện Ba Vì.
Theo ông Tuấn, việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện. Thứ hai, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống "nguy cơ" dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng tâm lý.

Kỳ vọng mới

Để loại bỏ tận gốc sự căng thẳng tâm lý dẫn đến hành vi tái nghiện, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Cán bộ tâm lý PSD cho biết: "Bằng những bài tập đặc biệt kết hợp sự hướng dẫn bằng ngôn ngữ tình cảm, người nghiện sẽ tìm được sự thoải mái và dễ chịu về thể chất và tâm lý. Từ trạng thái thoải mái, dễ chịu đi kèm với cơ chế được củng cố liên tục đã hình thành nên những mối liên kết mới giữa các nơron của não bộ, là cơ sở hình thành nên hành vi lành mạnh mới, không ma túy".

Bên cạnh đó, PSD đã thực hiện truyền thông về tác hại của ma túy và các kỹ năng chống tái nghiện tại 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội ở 10 tỉnh, thành phía Bắc. Đồng thời, đơn vị này cũng đã khảo sát mức độ nhận thức về ma túy và hành vi sử dụng ma túy đối với hơn 20.000 học viên ở các trung tâm. Kết quả cho thấy, khoảng 60% số học viên có thể cai nghiện thành công, duy trì hành vi không sử dụng ma túy bền vững.

Sau 2 năm thí điểm, riêng PSD đã giúp 45/60 người nghiện hoàn toàn không bị lệ thuộc vào ma túy. 15 người tái nghiện hầu hết thuộc các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với ma túy nên không thể cai nghiện.

Chia sẻ niềm vui cai nghiện thành công, một người từng là học viên của PSD cho biết: "Tôi nghiện ma túy trong 10 năm, đã từng đi cai nghiện 20 lần với đủ các phương pháp nhưng không thành công. Khi được tiếp cận với phương pháp của PSD, ngay từ lần điều trị đầu tiên tôi đã giảm được cảm giác thèm thuốc. Sau một năm, tôi hoàn toàn không còn cảm giác thèm thuốc. Đến nay, đã gần 2 năm, tôi đã hoàn toàn bỏ được ma túy".

Với tỷ lệ thành công bước đầu là 60%, các chuyên gia nhận định, phương pháp này không chỉ hiệu quả mà còn siêu tiết kiệm vì không mất chi phí thuốc điều trị. Mặt khác, nếu áp dụng tại các trung tâm cai nghiện tập trung hoặc các cơ sở điều trị bằng Methadone thì không cần xây dựng cơ sở vật chất mà chỉ cần tăng thêm chuyên gia tâm lý.

 
"Phương pháp "Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm" của PSD bước đầu tỏ ra hiệu quả góp phần đáp ứng nhu cầu thực sự trong công tác phòng, chống tái nghiện ở Việt Nam hiện nay. Bộ LĐTB&XH ủng hộ và sẽ tạo điều kiện để PSD tiếp tục hoàn thiện phương pháp này".

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm