Chống tham nhũng - không có vùng cấm, không khoan nhượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ĐB Quốc hội TP Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. Cùng dự có Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh.

Việc khó nên cần bình tĩnh, tỉnh táo

Tại buổi tiếp xúc, vấn đề được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là vụ việc thu hồi nhà, đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cử tri Nông Quang Lộc (quận Hoàn Kiếm) cũng đặt câu hỏi phải chăng các cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng chưa đủ tâm, tầm, nhất là qua sự việc ông Trần Văn Truyền. Ông Lộc mong trung ương tích cực hơn, kiên quyết hơn để tìm ra được nhiều
ông "Trần Văn Truyền" nữa, để dân phấn khởi, tin tưởng.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng 6/12 (Ảnh: Nguyễn Quyết/Người lao động)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình sáng 6/12 (Ảnh: Nguyễn Quyết/Người lao động)
Cử tri Nguyễn Minh Trung (quận Ba Đình) cũng thẳng thắn nêu vấn đề: Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ về khối tài sản khủng và biện pháp xử lý đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, dư luận đặt câu hỏi còn bao nhiêu ông "Trần Văn Truyền" nữa? Mặt khác, mức đề xuất xử lý dường như chỉ mang tính rút kinh nghiệm là chính. Cử tri yêu cầu "không có vùng cấm" trong xử lý vi phạm, từ việc cấp đất, cấp nhà cho ông Truyền và một số trường hợp khác có biểu hiện dễ dãi, cử tri đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi để ông Truyền vi phạm. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua bước đầu có tác dụng, song kết quả chưa được như mong muốn vì tính quyết liệt chưa cao. Cử tri đề nghị cần đấu tranh mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm khắc, triệt để hơn đối với các đối tượng, hành vi tham nhũng; cần thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản của cán bộ; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng vì đây là tài sản của nhân dân.

Cử tri Trần Viết Hoàn (quận Ba Đình) nhận định: Những phát biểu gay gắt về tham nhũng trên nghị trường đã làm cử tri "hả lòng, hả dạ". Và hy vọng các ĐB sẽ góp phần đánh gục “loại giặc nội xâm đang làm khổ dân, mất uy tín đất nước, mất thanh danh oai tín của Đảng”.

Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, ở tất cả các cấp, không có vùng cấm, không khoan nhượng. Nhưng quan trọng là phương pháp, cách làm, cuối cùng là phải có hiệu quả, vẫn giữ được ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước.

Từ vụ việc ông Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư cho rằng: Phải làm theo đúng pháp luật, quy định của Đảng và Nhà nước, không để bị lợi dụng. “Đúng là chống tham nhũng còn nhiều việc chưa như mong muốn, nhưng đây là việc khó khăn phức tạp, cần bình tĩnh, tỉnh táo”.

Lấy phiếu là thăm dò tín nhiệm

Đề cập đến nội dung liên quan đến vấn đề biển Đông trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều cử tri đồng tình với phương châm "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc mà Thủ tướng đưa ra. Nhưng cũng bày tỏ những lo ngại và mong muốn Quốc hội cần có những hình thức đấu tranh cao hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Biển Đông là vấn đề rất lớn, Bộ Chính trị, T.Ư chỉ đạo rất chặt chẽ. Riêng trong thời gian Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Bộ Chính trị liên tục họp cho ý kiến, phối hợp nhiều biện pháp tổng hợp từ chính trị, trên thực địa, báo chí, tuyên truyền, ngoại giao... để đấu tranh. Kết quả Trung Quốc rút giàn khoan sớm. Vấn đề lớn nên phải làm chặt chẽ, khôn khéo, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Các nước hoan nghênh, đánh giá cao cách xử lý bình tĩnh, tỉnh táo của Việt Nam. Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong đó có Trung Quốc.

Cũng trong chương trình tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm bày tỏ sự đồng tình cao quyết tâm chung của Chính phủ là phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, tư pháp, đặc biệt là nhiệm vụ của năm 2015. Cử tri Vũ Duy Hà (quận Tây Hồ) đánh giá: Việc lấy phiếu tín nhiệm đã có hiệu quả tích cực để những người được tín nhiệm cao có thêm động lực làm tốt hơn nhiệm vụ của mình; những người tín nhiệm chưa cao thì cần phải nỗ lực, cố gắng hơn. Tuy nhiên, cũng như nhiều cử tri, ông đề nghị chỉ nên để 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm" và cho rằng đó là cách thức tốt nhất để đánh giá đúng hiệu quả, chất lượng công việc của người được lấy phiếu.

Chia sẻ với cử tri về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua chính xác, khách quan. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức là để thăm dò tín nhiệm, kịp thời nhắc nhở, cảnh tỉnh, răn đe cán bộ. Việc này đã được các cơ quan chức năng bàn đi bàn lại cẩn trọng, nhiều lần và 81% đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua phương án này. Còn bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành khi kết quả lấy phiếu quá thấp, khi đó sẽ chỉ có 2 mức đánh giá.