KTĐT - Muốn phát triển kinh tế - xã hội thì hạ tầng về giao thông là tối quan trọng và là một trong những nhân tố quyết định để thực hiện phát triển. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông trên toàn quốc đã được quan tâm đầu tư, xây dựng với số vốn rất lớn gồm nhiều hạng mục công trình lớn nhỏ, trong đó có những công trình mang tầm cỡ quốc tế như cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì...
Cầu Văn Thánh (TP.HCM) chất lượng kém do có dấu hiệu tham nhũng trong thi công |
Các công trình này sau khi hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo đất nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương và đất nước, đáp ứng các nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông cũng nảy sinh nhiều tiêu cực, trong đó nổi lên là vấn đề tham nhũng. Nhiều công trình do bị tham nhũng, “rút ruột” nên chất lượng không đảm bảo, xuống cấp nhanh chóng, hư hỏng, thậm chí có công trình mới khánh thành hoặc chưa nghiệm thu đã hỏng rõ rệt, thể hiện sự vi phạm pháp luật trắng trợn của các đơn vị liên quan.
Thiệt hại từ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này là rất lớn, không chỉ là thiệt hại về công trình trước mắt mà còn là chi phí khắc phục sự cố, sửa chữa sau này, là nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn, ùn tắc giao thông, phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, gây mất lòng tin trong nhân dân và uy tín của đất nước ta (đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, ODA)…
Những sai phạm lớn, nghiêm trọng về xây dựng hạ tầng giao thông đã bị lực lượng Công an phát hiện tiêu biểu là công trình đường Hồ Chí Minh, cầu Rạch Miễu (Bến Tre), Quốc lộ 1A, hầm chui Văn Thánh, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hầm đường bộ qua Đèo Ngang… Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thì thất thoát do tham nhũng trong xây dựng hạ tầng giao thông chiếm tới gần 30% trong tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Các hành vi vi phạm trong xây dựng hạ tầng giao thông chủ yếu là các hành vi cố ý làm trái, tham nhũng… ở nhiều mức độ khác nhau, kéo dài, hỗn hợp và mang tính dây chuyền. Trong giai đoạn xác định chủ đầu tư, một số cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thông đồng với nhau về quyết định đầu tư, xác định chủ đầu tư, đơn vị thi công nhằm tạo thành một tổ hợp tham nhũng nhằm chiếm đoạt tài sản Nhà nước (thường được gọi là “chạy dự án”). Trong xác định đơn vị thi công, vi phạm thường là chủ ý tạo điều kiện cho một đơn vị nhất định trúng thầu, từ đó làm sai lệch mục đích, yêu cầu, nguyên tắc của việc đấu thầu, thông qua các sai phạm về kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, xét thầu…
Trong một số trường hợp, các đối tượng tham gia dự thầu theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” để dàn xếp quyền lợi, đơn vị trúng thầu chia sẻ nguồn lợi từ số vốn đầu tư cho dự án xây dựng công trình khiến nội dung công trình bị bớt xén hoặc sau đó các đơn vị thi công, chủ đầu tư lại thỏa thuận với nhau để tạo lý do xin bổ sung kinh phí nhằm bù vào phần kinh phí đã bị chiếm đoạt, chia chác. Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng, sai phạm phổ biến là ở khâu thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình khi chủ đầu tư và đơn vị thi công móc ngoặc với thiết kế để điều chỉnh thiết kế, lập dự toán cao hơn thực tế, kết hợp với quá trình thi công để móc tiền Nhà nước.
Đối với giai đoạn xây lắp thì tiêu cực thường xảy ra ở khâu quản lý thi công và giám sát. Cùng với việc điều chỉnh thiết kế và dự toán sai thực tế để rút nguyên vật liệu, bớt xén, thay nguyên liệu trực tiếp tại công trình… Một hành vi tham nhũng nghiêm trọng khi xây dựng các công trình hạ tầng giao thông là việc sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách, quy hoạch để thông đồng trục lợi từ việc sử dụng trái phép đất đai sử dụng vào giao thông, kết cấu hạ tầng công trình, nâng khống giá đền bù hoặc ăn chặn tiền đền bù của dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, công trình bị ách tắc.
Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi tham nhũng trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã đưa ra xét xử được một số vụ án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, từ cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật cho đến trình độ cán bộ thực thi và sự tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó của các đối tượng… nên hiệu quả đấu tranh còn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý chưa mạnh mẽ đã không đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Do vậy, trong thời gian tới, để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đảm bảo uy tín đối với nhà đầu tư nước ngoài, uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của nhân dân, chúng ta cần thực hiện có hiệu quả việc đấu tranh quyết liệt đối với các hành vi tham nhũng nói chung và tham nhũng trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng.