Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống úng ngập mùa mưa bão: Ngổn ngang trăm mối

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội đã phần nào giải quyết được nguy cơ úng ngập cục bộ mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng, còn quá nhiều tồn tại, bất cập, mà đến nay vẫn chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của từng đơn vị, địa phương nên chưa được giải quyết thấu đáo, căn cơ.

Úng ngập trên đường Trần Thái Tông năm 2018. Ảnh: Thanh Hải
Vẫn những nỗi lo thường trực
Nỗi lo “cứ mưa lại ngập” đã không còn xa lạ với người dân Hà Nội trong nhiều năm qua. Theo thống kê, hiện Hà Nội còn khoảng 15 điểm úng ngập cố hữu. Tuy nhiên, con số thực tế những vị trí phải thường xuyên đối diện với nguy cơ úng ngập khi có mưa lớn bất thường chắc chắn còn lớn hơn.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Hà Nội ngập vì 4 lý do chính. Thứ nhất là hạ tầng thoát nước lạc hậu, quá chậm phát triển so với nhu cầu và quy mô đô thị. Thứ hai là suốt một thời gian dài trước đây, công tác thoát nước không được chú trọng, thậm chí có thể nói là bị xem nhẹ trong bài toán quản lý đô thị. Thứ ba là tình trạng ô nhiễm môi trường, bao gồm cả thói quen xả rác xuống cống rãnh, làm tắc nghẽn dòng chảy. Thứ tư và quan trọng hơn hết là sự thờ ơ của bộ phận không nhỏ người dân trước căn bệnh úng ngập đã trở thành mãn tính của TP.
Tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10/4/2019 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Sở Xây dựng chủ trì công tác chống úng ngập nội thành, đảm bảo vệ sinh môi trường; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên nguồn điện cấp ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, hạ tầng thoát nước của Hà Nội còn yếu kém, chậm phát triển nên úng ngập là khó tránh khỏi. Thế nhưng, với quỹ hạ tầng đó, nếu biết bảo vệ, giữ gìn, vận hành khoa học, hiệu quả chống ngập sẽ cao hơn rất nhiều. Ông Thành lấy ví dụ, hiện nhiều công trình xây dựng đang gây ảnh hưởng hoặc hư hại hạ tầng thoát nước hay người dân xả rác bừa bãi khiến cống rãnh tắc nghẽn. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình vẫn đang thải ra hệ thống thoát nước một lượng dầu mỡ rất lớn, là tác nhân gây úng tắc nghiêm trọng. “Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thói quen gây hại cho môi trường. Nếu không làm được, dù đầu tư xây dựng hạ tầng bao nhiêu đi nữa thì cũng vẫn cứ xảy ra úng ngập” - ông Thành nhấn mạnh.

Cộng đồng trách nhiệm

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương chia sẻ, Hà Nội vẫn có thể xảy ra ngập úng cục bộ khi mưa lớn bất thường. Nguyên nhân chính là do hệ thống tiêu thoát chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ theo quy hoạch. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với Công ty Thoát nước cũng cần phải kịp thời, hiệu quả hơn nữa.

Ông Sương cho hay: “Để sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão, chúng tôi đang tiến hành duy tu, duy trì toàn bộ hệ thống, chuẩn bị nhân lực, vật lực ở mức tối đa”. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng kiến nghị, các địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác phòng chống úng ngập, đặc biệt trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo đó, chính quyền địa phương cần tăng cường và thực hiện một cách hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là ra hệ thống cống thoát nước. Đồng thời có biện pháp tách lọc dầu mỡ khỏi nước thải, nhằm giảm dần tình trạng úng tắc hệ thống cống. Hiện không ít người dân, mỗi khi mưa ngập lại tỏ ý trách móc những người làm công tác thoát nước của TP. Nhưng thay vì thế, chỉ cần họ và gia đình nâng cao ý thức, bảo vệ hạ tầng, môi trường của đô thị, sẽ góp phần thiết thực hơn nhiều phòng chống nguy cơ úng ngập.

Một vấn đề khác là nhiều công trình xây dựng, dù làm ảnh hưởng đến hệ thống cống thoát nước mưa, nước thải nhưng chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công lại khá thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu phối hợp với đơn vị thoát nước khi xảy ra mưa lớn. Đây trước hết là do công tác quản lý tại địa phương và các sở, ngành hữu quan còn bị buông lỏng.

Chừng nào công tác phòng chống úng ngập còn bị coi là “việc riêng” của một vài đơn vị chuyên ngành; chính quyền cũng như Nhân dân, DN còn chưa cộng đồng trách nhiệm, Hà Nội sẽ còn thường trực nỗi lo “cứ mưa lại ngập”.