Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động chi viện cho chiến trường miền Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) theo tiếng gọi thiêng liêng ...

Kinhtedothi - Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an (CA), cùng với CA cả nước, lực lượng CATP Hà Nội đã chủ động chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt những người con ưu tú nhất cùng với vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần.

Đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đi "chia lửa" hăng hái tình nguyện lên đường chiến đấu vì lẽ sống cao cả và vì sự thôi thúc con tim, dẫu có thể không cùng chiến trường, nhưng tất cả đều cùng một thời hoa lửa, đã trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong số đó, có 83 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, không ít cán bộ, chiến sĩ để lại phần máu thịt nơi chiến trường, những hy sinh đó đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 40 năm trước, làm rạng rỡ truyền thống anh hùng của CATP Hà Nội.
Một cuộc họp bàn kế hoạch chi viện cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh Công an TP Hà Nội cung cấp).
Một cuộc họp bàn kế hoạch chi viện cho miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh Công an TP Hà Nội cung cấp).
Đại tá Nguyễn Đình Thành - nguyên Giám đốc CATP Hà Nội bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, được lệnh lên đường, các cán bộ, chiến sĩ CATP ai cũng háo hức muốn được ra ngay mặt trận. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đường đi là những gian lao, hiểm nguy, bom đạn rình rập nhưng không ai nản chí, các cán bộ, chiến sĩ CATP đã vượt mọi gian lao vất vả, nêu cao vai trò xung kích, tham gia các mũi tấn công, kịp thời chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của các tổ chức tình báo, biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi, nhà lao, nhanh chóng triển khai các công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng giải phóng. Mỗi cán bộ CATP đều rất vinh dự và tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Cùng chung cảm xúc, Đại tá Nguyễn Văn Thạnh - Trưởng Ban liên lạc B - C - K, CATP Hà Nội khẳng định: “Ngày kỷ niệm 30/4 đã thắp sáng niềm tin về một thời quá khứ oanh liệt của dân tộc. Ký ức về chiến tranh có lẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những người lính đã từng vượt Trường Sơn đi cứu nước. Hơn tất cả, đó là sự ghi nhớ quá khứ mà chúng ta không được phép quên. Việc tổ chức cuộc gặp mặt một cách chu đáo và nhiệt tình của CATP Hà Nội cũng là cách để tri ân quá khứ”.

Cán bộ CATP chi viện An ninh miền Nam có mặt ở hầu khắp các chiến trường ở cả 3 vùng chiến lược, kể cả những nơi khó khăn ác liệt nhất, đã lặn lội với phong trào, gắn bó với Nhân dân địa phương, đoàn kết với cán bộ tại chỗ, phát huy tác dụng nhiều mặt cả về chính trị, nghiệp vụ, vũ trang. Những chiến sĩ CA chi viện đã cùng cán bộ tại chỗ đồng cam, cộng khổ, chịu đựng gian khổ hy sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ chi viện đã được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở hầu hết cấp an ninh từ Ban An ninh T.Ư Cục đến các khu, tỉnh, TP, huyện, thị xã, với phương châm "3 cùng", các anh đã phát huy hậu cần tại chỗ, dựa vào dân, được Nhân dân đùm bọc, che chở, dũng cảm kiên cường, mưu trí sáng tạo, nhiều cán bộ, chiến sĩ lập thành tích đặc biệt, chiến công lớn được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý.