Cùng với nhiều địa phương khu vực phía Bắc, thiên tai từ đầu năm 2016, trọng tâm là 3 cơn bão xảy ra trong các tháng 7 và 8 đã gây ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Trong cơn bão số 1, ít nhất 4.122 nhà dân, 63 điểm trường học và 15 công trình văn hóa bị hư hỏng; 2.390 con gia súc và 54.144 con gia cầm bị cuốn trôi. Mưa to gió lớn, dông lốc mạnh cũng khiến 30.640 cây xanh và 1.036 cột điện bị gãy, đổ. Thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Ảnh hưởng ít hơn về hạ tầng, sản xuất, nhưng 2 cơn bão số 2 và 3 lại khiến 1 người chết và 7 người khác bị thương. Điều này thêm một lần nữa cho thấy mức độ tác động ngày càng khó kiểm soát của diễn biến thời tiết cực đoan. Dù đã được hạn chế, tuy nhiên hậu quả do thiên tai gây ra từ đầu năm 2016 trên địa bàn TP là khá nặng nề. Điều này có nguyên nhân trực tiếp từ một số bất cập còn tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Đại tá Đoàn Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ, việc Hà Nội đã gần 10 năm không bị ngập úng nặng đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở một bộ phận người dân cũng như đội ngũ làm công tác PCTT. Việc thông tin dự báo có thời điểm còn chưa chính xác khiến việc ứng phó gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, việc thông tin về diễn biến thời tiết thiên tai chưa thống nhất, thiếu đầu mối là vấn đề được Đại tá Bùi Trọng Quỳnh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề cập tới. Ông Quỳnh dẫn chứng: Có những tình huống, ngay khi được thông tin về sự cố, đơn vị đã chỉ đạo triển khai lực lượng hỗ trợ ứng cứu; nhưng khi xuống tới địa bàn thì vụ việc đã xong (?!) Hà Nội đang trọng quá trình đô thị hóa nhanh khiến bài toán thoát nước cũng trở nên rất nóng.
Ý kiến của ông Nguyễn Trọng Lượng - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đề cập khá chi tiết tới hiện trạng phát triển các khu đô thị hiện nay, nhưng lại thiếu quy hoạch hệ thống thoát nước đi kèm chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập úng nghiêm trọng mỗi khi có mưa lớn… Trong những đợt thiên tai vừa qua, các sở, ban ngành, các địa phương đã có sự chủ động nhất định khi triển khai ứng phó với mưa bão. Đánh giá cao điều này, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tiếp tục nhắc nhở các đơn vị không được phép chủ quan, bởi diễn biến thời tiết từ nay tới cuối năm cũng như những năm tiếp theo được dự báo sẽ còn rất phức tạp. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để chủ động phương án sẵn sàng ứng phó. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và đội ngũ làm công tác PCTT. Chia sẻ với những khó khăn khiến công tác dự báo hiện còn nhiều hạn chế, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nhân lực cũng như tâm thế để tránh bị động. Mục tiêu là giảm thiểu thấp nhất hậu quả do thiên tai có thể xảy ra trong tình huống dự báo có sự sai khác so với thực tế như từng diễn ra trong cơn bão số 1. Đối với nhiệm vụ trước mắt, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban ngành, nhất là các địa phương tập trung nguồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả các cơn bão vừa qua, hỗ trợ giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị. |
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao Bằng khen cho 26 tập thể và 23 cá nhân có thành tích đột xuất trong công tác khắc phục hậu quả bão. |
Tại hội nghị sáng 31/8, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc khen thưởng thành tích đột xuất trong công tác khắc phục hậu quả bão số 1 năm 2016 đối với 26 tập thể và 23 cá nhân. |