Chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu nông, thủy sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nhưng thời gian vừa qua, XK nông, thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu còn yếu, áp lực cạnh tranh cao.

Nhiều khó khăn

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản 5 tháng đầu năm đạt gần 9 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến, XK nhóm hàng nông, thủy sản cả năm 2014 đạt 21 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2013. Tuy nhiên, tình hình XK trong tháng 5 đã giảm 8,2% so với tháng 4, trong đó có một số mặt hàng nông sản như chè, gạo, sắn… giảm mạnh.Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thực trạng "được mùa, mất giá" vẫn diễn ra phổ biến với các ngành hàng nông, thủy sản do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu chưa được triển khai đồng bộ dẫn đến giảm sút về chất lượng sản phẩm và hiệu quả XK. Thực tế  cho thấy, hầu hết các sản phẩm  XK đều là sản phẩm thô, giá trị thấp do các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao chưa được thực hiện một cách đồng bộ.
Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại  Bianfishco  Cần Thơ.     Ảnh: Hoài Nam
Tìm thị trường mới cho xuất khẩu hàng nông thủy sản. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Bianfishco Cần Thơ. Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó, hiện nhiều nước đã áp dụng các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại, trong đó có không ít mặt hàng XK nông, thủy sản mà Việt Nam có lợi thế, khiến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Dự báo, nguồn cung nhiều loại nông, thủy sản năm 2014 liên tục tăng cao trong khi nhu cầu thế giới tăng chậm do kinh tế chậm phục hồi sẽ khiến giá cả giảm sút và gia tăng áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh những khó khăn về thị trường, việc chậm cải cách hành chính cũng là rào cản hoạt động XK nông, thủy sản. Nhiều DN XK nông, thủy sản than phiền: Thông tư 48/2013/TT-BNN&PTNT về "Quy định về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản XK" của Bộ NN&PTNT mới ban hành được 5 tháng nhưng tần suất kiểm tra DN tăng cao khiến DN không yên tâm hoạt động sản xuất. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất, XK, tình trạng thiếu kinh phí trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý với DN chưa hiệu quả… cũng là những vướng mắc cho hoạt động XK ngành hàng này.

Tìm kiếm thị trường mới

Nhằm khắc phục những khó khăn của nhóm hàng nông, thủy sản để từ đó đẩy mạnh XK, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT quy hoạch tổng thể quy mô sản xuất các sản phẩm nông thủy sản; Đẩy mạnh đào tạo người dân cách nuôi trồng sản phẩm sạch, chất lượng cao; Xây dựng và thực hiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhóm hàng nông, thủy sản XK; Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng giải quyết các vấn đề về vốn và lãi suất cho DN sản xuất nông, thủy sản; Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá nhóm hàng này tại các thị trường trọng điểm.

Với công tác mở rộng thị trường XK, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ rà soát nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường, cơ chế chính sách nhập khẩu của các nước, theo dõi thông tin, diễn biến sản xuất của các thị trường để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan nhằm chủ động đề xuất và phối hợp thực hiện các giải pháp thúc đẩy XK.

Tuy nhiên, để tăng kim ngạch XK hàng nông, thủy sản, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giao thương với những thị trường truyền thống khu vực ASEAN, EU, Nhật Bản, Mỹ…, các DN cần tìm các thị trường tiêu thụ mới tại châu Phi, Trung Đông… Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ là cơ hội cho các DN tăng trưởng XK nông, thủy sản vào 11 nước trong TPP. Mặc dù, Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng không phải là lớn nhất của thủy sản Việt Nam mà là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việc tăng cường XK vào các thị trường mới không chỉ tăng kim ngạch XK mà còn hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh việc đẩy mạnh XK hàng hóa sang thị trường mới, việc "kích cầu" tiêu dùng trong nước cũng cần các DN chú trọng phát triển. Thực tế nhiều mặt hàng như gạo, đường, rau quả, thủy sản... hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ trong nước khi DN biết tận dụng các lợi thế để khai thác và nhất là lồng ghép với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang được đẩy mạnh thực hiện.