Chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ

Đức Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh đau mắt đỏ đã bắt đầu vào mùa. Tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân đến khám, điều trị đang tăng dần.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên chủ động phòng bệnh, tránh lây bệnh cho bản thân và gia đình.

Rất dễ lây lan

Đến khám mắt tại BV Mắt Hà Đông, anh Trần Xuân Thành (phường Quang Trung, Hà Đông) cho biết: “Cách đây vài hôm, tôi có tiếp xúc với đồng nghiệp bị đau mắt đỏ. Hai hôm sau ngủ dậy, mắt bắt đầu khó chịu, mi sưng, 2 mí kết dính, cồm cộm, ngứa, càng ngày mắt càng đỏ”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Mỗ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Mấy ngày nghỉ tôi có sang nhà chị gái chơi cùng các cháu và bị lây đau mắt đỏ từ đứa cháu. Tôi đã ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt dùng nhưng không đỡ nên phải vào BV khám”.
Vệ sinh mắt cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Hà Đông. Ảnh: Đức Vân
Vệ sinh mắt cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Hà Đông. Ảnh: Đức Vân
Bác sĩ Trần Tiến Đạt - Khoa Khám bệnh, BV Mắt Hà Đông cho biết, vài tuần nay, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám bắt đầu nhiều lên. Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, hay dùng chung các vật dụng với người bệnh đau mắt đỏ như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch đau mắt đỏ bùng phát. Bệnh thường gặp vào mùa Hè nắng nóng, hay thời tiết chuyển mùa, độ ẩm không khí cao. Với những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu rất dễ bị nhiễm bệnh.

Còn tại BV Mắt Hà Nội, từ đầu tháng 6 đến nay số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 15 -20 bệnh nhân đến khám. Còn tại BV Mắt T.Ư, bác sĩ Hoàng Cương - Khoa Khám bệnh của BV cho biết, vài tuần nay, số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ cũng tăng lên đáng kể so với trước đó. Triệu chứng ban đầu của bệnh đau mắt đỏ là bệnh nhân cảm thấy nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ và có ghèn, khó mở vào buổi sáng. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc… Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, có thể gây thành dịch. Chỉ cần một người mắc có thể lây cho gia đình, cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người.

Phòng bệnh thế nào?

Theo bác sĩ Trần Tiến Đạt, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh lại gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động. Bên cạnh đó, nếu tự chữa không đúng cách bằng các bài thuốc truyền miệng dân gian như xông bã trầu không, xông nước muối, bệnh có thể trở nặng. Ngoài ra, việc người dân tự ý mua thuốc về dùng cũng rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực.

Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Đạt khuyến cáo, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; không dùng tay dụi mắt. Khi đang có dịch đau mắt đỏ, người bệnh nên đeo kính râm, nhỏ dung dịch nước muối (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo, có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng...

Ngoài ra, bác sĩ Đạt cũng lưu ý: Đối với người bệnh bị đau mắt đỏ hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Bên cạnh đó, không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly những nơi đông người để tránh lây lan ra cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần