Chủ động phòng chống tác hại của kiến ba khoang

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothị - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Hà Nội có công văn yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc chủ động phòng chống và kiểm soát tác hại của kiến ba khoang.

Theo Sở Y tế, hàng năm vào cuối mùa Thu, đầu mùa Đông (tháng 9, tháng 10) trên địa bàn TP Hà Nội thường xuất hiện những trường hợp bị phỏng nước, viêm da do tiếp xúc trực tiếp với kiến ba khoang, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây nhiễm trùng, gây sốt, mưng mủ, nổi hạch và để lại sẹo lâu dài.
Vì vậy,để chủ động phòng chống và hạn chế những tác hại của kiến khoang gây ra cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh địa phương về hạn chế tiếp xúc với kiến ba khoang, cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn. Các trung tâm y tế tập trung khoang vùng phát hiện các ổ kiến giảm mật độ kiến khoang, giám sát phát hiện các khu vực có nhiều người bị các tác hại do kiến ba khoang gây ra. Bên cạnh đó, các trung tâm y tế hướng dẫn phổ biến cho nhân viên trạm y tế để chẩn đoán, điều trị, chăm sóc khi có trường hợp xảy ra…
 Kiến ba khoang. Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Cách nhận biết kiến ba khoang
Kiến ba khoang dài khoảng 10 – 20cm, gần hình trụ thon, có các khoang màu nâu đỏ và đen. Có 3 phần đầu – ngực – bụng. Ngực kiến có 3 đốt, mang 3 đôi chân, 2 đôi cánh. Kiến khoang sinh sản quanh năm, chủ yếu mùa mưa thời tiết nóng ẩm. Kiến thường sống ở ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, ruộng rau. Kiến ba khoang thường ẩn nấp ở chỗ có chất mùn, kẽ nứt tường vách, dưới đống gạch đá, trong vỏ cây nứt nẻ, bẹ măng tre...
Kiến ba khoang có khả năng ăn thịt và côn trùng nhỏ hơn, có tác dụng phòng chống sinh học của các côn trùng ở ruộng lúa.
Kiến ba khoang không đốt người nhưng trong cơ thể kiến có chứa độc tố. Vì vậy, nếu kiến ba khoang đậu bám vào người, bị đập chết và chà xát hoặc va chạm mạnh thì độc tố trên cơ thể kiến có thể tiết ra ngoài, dính vào da người gây nên cảm giác cháy da, đau đớn, viêm tấy...
Cách điều trị
Nếu kiến ba khoang đậu bám vào người, ta nên dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ: Dung dịch Jarish, oxýt kẽm, mỡ kháng sinh. 
Nếu da có mủ nhiều, đau, người dân có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi...
Trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi.
Các biện pháp phòng chống
Nếu biết rõ các đặc điểm sinh lý, sinh thái của loại kiến ba khoang, người dân không nên hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Người dân nên hạn chế ánh đèn để tránh thu hút kiến ba khoang, tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt.
Buổi tối trước khi tắm rửa, chú ý giũ mạnh khăn mặt, khăn tắm trước khi dùng. Trước khi đi ngủ nên kiểm tra trên giường, chiếu, chăn, màn để tránh tiếp xúc với kiến.
Khi thấy rát ở một vùng da có thể rửa bằng nước muối, xà phòng,... để ngăn không cho nổi thành phỏng nước hoặc mủ.
Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, thu gom cây mục, cỏ khô đem đốt, có thể sử dụng đèn huỳnh quang để ngoài cửa để dụ kiến vào và thu dọn rồi đốt.
Làm lưới chắn côn trùng ở các cửa sổ và các lồ thoáng để tránh kiến bay vào nhà hoặc đóng các cửa ra vào trước khi bật đèn trong nhà,...
Khi kiến rơi hoặc bò lên da, không nên dùng tay bắt, để loại bỏ kiến khoang nên thổi nhẹ để kiến khoang rơi xuống đất, tránh dịch tiết của kiến dính vào da.
Khi bị dịch tiết của kiến khoang dính vào da gây tổn thương cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.