Chủ động, trách nhiệm quyết định sự an toàn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tìm hiểu thực tế công tác ứng phó với sự cố tràn đê Tả Bùi (huyện Chương Mỹ) và cả dọc tuyến sông trưa 31/7, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, huyện Chương Mỹ, nhất là tinh thần chủ động của người dân, cùng sự hỗ trợ của các lực lượng đã đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu.

 Đê Tả Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ liên tiếp được gia cố trong mấy ngày qua
Chủ động ứng phó 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, theo dự báo năm nay mưa lớn kéo dài, theo ghi nhận cao hơn đỉnh lũ năm 2008, đe dọa nghiêm trọng đê Tả Bùi huyện Chương Mỹ. Mưa to đến rất to, mực nước sông Bùi (tại Yên Duyệt hồi 17 giờ 00 phút ngày 30/7 là 7,51m, trên báo động 3 là 0,50m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m) đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân khu vực. Nếu xảy ra sự cố đê Tả Bùi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực trung tâm của huyện Chương Mỹ, cũng như toàn bộ quận Hà Đông, một phần huyện Thanh Oai. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội đô của Thủ đô. Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ đã theo sát, chủ động xây dựng kế hoạch, có phương án ứng phó.

Đến thời điểm cuối ngày và đêm 30/7, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của nhân dân địa phương đã giữ được đê Tả Bùi an toàn. Để có được kết quả đó, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định:

Thứ nhất, với phương châm “4 tại chỗ”, huyện và các xã có đê đã xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống nước vượt báo động 3 sông Bùi.

Thứ hai, phát huy được trách nhiệm, sự chủ động của người dân trong việc ứng phó với tràn đê.

Thứ ba, phối hợp hiệu quả các lực lượng quân đội, công an cùng tham gia hỗ trợ.

Thứ tư, với sự vào cuộc đồng bộ, một mặt đã đảm bảo an toàn đê Tả Bùi, mặt khác vẫn đảm cuộc sống sinh hoạt cho Nhân dân. Huyện đã hỗ trợ, cung cấp các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt như: Nước uống, lương thực, mì tôm, lương khô…

Thứ năm, khi xảy ra sự việc, huyện đã nhận được sự chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, từ Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, trong đó ngay sáng 31/7, quận Thanh Xuân đã xuống tặng 500 triệu đồng và sẽ xây tặng một trường học tại vùng đê Hữu Bùi trị giá 35 – 40 tỷ đồng, LĐLĐ Thành phố 100 triệu đồng, huyện Thanh Trì 50 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 20.000 chai nước loại 1,5 lít, trị giá 150 triệu đồng, Hapro 500 thùng nước lavie... Đó cũng chính là thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ hỗ trợ nhau của các đơn vị trong Thành phố.
 Cán bộ, chiến sỹ Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang gia cố chống tràn đê Tả Bùi đếm 30/7. Ảnh: Khắc Kiên
Cần thông tin khách quan

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo để có những giải pháp tốt nhất cho huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, do mưa lớn cuộc sống người dân không tránh khỏi xáo trộn, mọi sinh hoạt, sản xuất đều bị ảnh hưởng.

Hà Nội ghi nhận trong thời gian qua, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội đã quan tâm phản ánh kịp thời khách quan, nhất là nỗ lực, chủ động của các cấp từ Thành phố, huyện, đến các xã, thị trấn và mọi người dân. Song, cũng phải thẳng thắn, vẫn còn có cơ quan báo chí phản ánh chưa đầy đủ, không đúng diễn biến tình hình, thiếu khách quan làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, cũng như sự phân tâm đối với lực lượng tham gia giải quyết hậu quả của thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Phong khẳng định, một là, không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói. Hai là, ngày hôm nay vẫn đưa thông tin, hình ảnh những ngày đầu ngập úng mà không cập nhập thường xuyên là chưa chính xác. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn đê chính là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân. Do đó, đề nghị các cơ quan báo chí cần tuyên truyền đúng sự nỗ lực của địa phương, động viên lực lượng tham gia ứng phó không quản ngày đêm, trong đó Nhân dân đã rất chủ động, trách nhiệm tham gia vào chống úng, ngập, gia cố tràn đê Tả Bùi. Đồng thời, huyện Chương Mỹ cũng phải chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để phản ánh kịp thời, trung thực.

“Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã Thanh Bình đã chủ động huy động toàn bộ lực lượng, Nhân dân tham gia chống tràn mà chưa cần đến sự hỗ trợ của lực lượng quân đội. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của bà con nhân dân thôn Kim Nê đã không quản ngại khó khăn tích cực chống tràn đê là đáng biểu dương” – ông Nguyễn Văn Phong khẳng định. Đồng thời chỉ ra, theo dự báo, diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, chính quyền cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân cần chủ động di chuyển về người, tài sản đề phòng khi có tình huống nước tiếp tục dâng cao xảy ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Phong thông tin, Thành phố và huyện đã có phương án, ngay sau khi nước rút sẽ tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng… và quan tâm đến các trường học để sớm ổn định cho học sinh đến trường. Bên cạnh đó, Hà Nội đã cũng có ý kiến với bộ, ban, ngành Trung ương quy hoạch khu dân cư vùng úng ngập, nhất là nâng cấp đê đảm bảo an toàn trước các diễn biến phức tạp của thiên tai để ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Tại đoạn đê Bùi qua thôn Kim Nê, xã Thanh Bình vào hồi 19 giờ tối ngày 29/7, có gần 400 người gồm cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể bà con Nhân dân thôn Kim Nê đã tham gia hộ đê. Với tinh thần trách nhiệm, tích cực nên chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ đã dùng bao tải đắp chống tràn được hơn 600m đê. 

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã Thanh Bình duy trì toàn bộ lực lượng để túc trực dọc tuyến đê tả Bùi qua địa bàn xã; đồng thời chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra. Đó là một tinh thần đáng biểu dương.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần