Chúc mừng năm mới

Chủ động, trách nhiệm ­­ xây dựng Thủ đô vững bước đi lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012, năm có nhiều sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước, là năm Hà Nội phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội.

Một trong những sự kiện nổi bật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội là Luật Thủ đô đã được Quốc hội (khóa XIII) thông qua. Nhân dịp Xuân mới, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành thời gian trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về những định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong năm Qúy Tỵ 2013.
 

Biến niềm vui thành hành động

- Kính thưa Bí thư Thành ủy, năm 2012 đã qua với nhiều sự kiện lớn, đáng vui mừng đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng tựu trung lại, đồng chí thấy đâu là dấu ấn rõ nét nhất?

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Tôi cho rằng, điều đáng mừnh nhất là Luật Thủ đô đã được Quốc hội (khóa XIII) thông qua với sự nhất trí cao. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.Đây không chỉ là tin vui đối với tất cả công dân Thủ đô mà cũng là tin vui đối với tất cả những người luôn quan tâm, yêu quý Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần sẵn sàng, chủ động và trách nhiệm cao nhất. Mục tiêu là phải làm sao để động viên được tất cả mọi nguồn lực, mọi người dân ở Hà Nội cũng như nhân dân cả nước, ngoài tình cảm với Thủ đô, đều có thể góp sức, góp phần xây dựng Thủ đô của chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại, thực sự xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng.

 

Chủ động, trách nhiệm  ­­ xây dựng Thủ đô vững bước đi lên - Ảnh 1

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói chuyện với nông dân trên cánh đồng xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.  Ảnh: Thanh Hải

Trong Luật Thủ đô, trên mỗi lĩnh vực đều có những cơ chế, chính sách đặc thù, từ vấn đề nhập cư cho tới các vấn đề giáo dục, văn hóa, đầu tư, ngân sách,… Nhưng tựu trung lại, điều chung nhất và nổi bật nhất, đó là: Luật khẳng định vị trí và tầm quan trọng của Thủ đô là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; xác định rõ vị thế của Thủ đô - một vị thế riêng biệt so với các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khác.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng Luật Thủ đô không phải đem lại cho Hà Nội một đôi đũa thần, vung một cái là ngày mai thay đổi ngay. Muốn có đổi thay trên thực tế, đòi hỏi chúng ta phải hành động, phải có thời gian.

Tuy nhiên, với sự chủ động hơn nữa của chúng ta, đây sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng để đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, tạo nên một diện mạo mới, xứng tầm như kỳ vọng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô  không say sưa trong niềm hân hoan này, mà phải suy nghĩ, biến niềm vui thành hành động, sớm đưa Luật Thủ đô đi vào đời sống với hiệu quả cao nhất.

- Xin đồng chí cho biết, Thành phố sẽ làm gì để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống đúng như kỳ vọng?

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Để Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn trong cuộc sống, cần có sự triển khai đồng bộ. Trước hết, chúng ta phải có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về nội dung Luật Thủ đô để mọi người đều hiểu được, nhất là những cơ quan có trách nhiệm thực hiện. HĐND, UBND Thành phố phải bắt tay vào việc thể chế hóa một số quy định thuộc quyền hạn của mình mà Luật Thủ đô cho phép.

Thành phố phải chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện trên từng lĩnh vực công việc cụ thể, như: quy hoạch, giao thông, giáo dục, y tế,... theo các quy định trong Luật Thủ đô. Đồng thời, phải kết hợp triển khai Luật Thủ đô với thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên khác của Thành phố.

Tuy nhiên, khâu có thể và cần phải làm ngay chính là chấn chỉnh lại kỷ cương xã hội. Trước kia chưa có Luật Thủ đô, chúng ta đã cố gắng để làm tốt những điều này. Khi có Luật chắc chắn sẽ thực hiện tốt hơn. Ví dụ, trong Luật Thủ đô quy định mức phạt vi phạm hành chính ở nội thành trong 3 lĩnh vực quản lý Nhà nước về văn hóa, đất đai, trật tự xây dựng cao gấp đôi so với mức phạt vi phạm tương tự được áp dụng ở những địa phương khác, nên tính răn đe chắc chắn sẽ cao hơn. Song, giải pháp cơ bản, lâu dài vẫn phải là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người, cùng với đó phải tăng cường các chế tài, biện pháp xử phạt.

Bớt tiếng kêu ca, thêm niềm tin thực hiện

- Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, trong năm qua đã thực sự tạo sự chuyển biến rõ nét? Đề nghị đồng chí Bí thư đánh giá về đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này.

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Đến nay, 29/29 quận, huyện, thị uỷ; 105/105 đơn vị Đảng uỷ khối, Đảng uỷ trực thuộc và các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể và cơ quan thuộc Thành phố đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI).

Qua việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng; tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đã tạo được không khí dân chủ, khơi dậy được tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng ở nhiều cơ quan, đơn vị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên.

 Ngoài 3 nội dung lớn mà Nghị quyết T.Ư đã nêu, thành phố Hà Nội rất coi trọng thực hiện kiểm điểm sâu. Ví dụ, ngoài kiểm điểm những khuyết điểm chung, Ban Cán sự Đảng UBND TP phải có trách nhiệm giải trình về những yếu kém, khuyết điểm của các cấp chính quyền trong chỉ đạo, quản lý, điều hành công việc hàng ngày, nhất là trong các lĩnh vực: Quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phê duyệt các dự án; giải trình về tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong quá trình giao tiếp, làm việc với nhân dân, với doanh nghiệp có thái độ chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Giải trình đó của Ban Cán sự Đảng UBND TP chính là một yêu cầu kiểm điểm sâu. Tương tự như vậy, đối với các Đảng bộ trực thuộc, có yếu kém vào nổi lên rõ thì Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm về việc đó.

Qua kiểm điểm, tôi thấy rằng, một số mặt công tác của Thành phố nói chung, của nhiều cơ quan, đơn vị nói riêng đã có chuyển biến tích cực, không chỉ ở trong nhận thức mà cả ở việc làm. Tiếng kêu ca thì vẫn còn, song so với trước đã bớt đi. Thời gian giải quyết công việc đã nhanh hơn; đặc biệt, quy trình thủ tục đã được chú ý rà soát nghiêm túc, thận trọng và đúng quy định hơn.

Chủ động, trách nhiệm  ­­ xây dựng Thủ đô vững bước đi lên - Ảnh 2

Đại lộ Thăng Long.

Ví dụ, về xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng: Khi một hiện tượng vi phạm nghiêm trọng xảy ra, ngoài việc báo chí, dư luận xã hội lên tiếng; nhờ có Nghị quyết T.Ư 4, việc chỉ đạo, yêu cầu khắc phục, sửa chữa quyết liệt, sát sao hơn, ý thức chấp hành cũng tốt hơn. Chúng ta không chỉ xử lý đối với người vi phạm mà đã xử lý kỷ luật những cán bộ trực tiếp có liên quan.

Trên các lĩnh vực khác, việc chấp hành các chủ trương chỉ đạo của Thành ủy nghiêm túc hơn, có tác động tích cực trong đời sống xã hội, như việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; việc tạm ngừng đi công tác nước ngoài; việc tăng cường cải cách hành chính. Mới đây nhất là việc chúng ta tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành phố. Tinh thần chủ động, tự giác này của Hà Nội đã được T.Ư đánh giá cao, có việc có ảnh hưởng lan tỏa trong cả nước.

- Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, trong năm 2013, công tác này sẽ tiếp tục được thực hiện thế nào để đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân?

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Những kết quả của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua mới là bước đầu. Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp của Thành phố thời gian tới là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4. Tự phê bình và phê bình cũng như công tác xây dựng Đảng là công việc thường xuyên đối với mọi cá nhân và tập thể; đồng thời, không tách rời khỏi việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên.

 Ví dụ, với chủ đề của năm 2013 được Thành phố xác định là “Năm kỷ cương hành chính", việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên phải đồng hành và hướng mạnh vào việc tạo bước chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thành ủy chủ trương khuyến khích tinh thần đổi mới, mở rộng dân chủ, tăng cường sự công khai, minh bạch, tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, các cấp, các ngành sẽ tiến hành xem xét, xử lý, công khai những vụ việc, cá nhân có vi phạm; đồng thời, sớm tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ rõ, góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài

- Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt Thành phố vào đầu năm 2013. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cần phải làm gì để việc này không mang tính hình thức?

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Vừa qua, Hội nghị Thành ủy lần thứ 11 (ngày 8/1/2013) đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Đối tượng tham gia nhận xét, bỏ phiếu là tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và những người được đưa ra đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, gồm cả Bí thư, các Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí là Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND TP.

Công việc này sẽ trở thành việc làm thường xuyên vào những năm sau. Vì vậy, Thành ủy chỉ đạo chặt chẽ và khoa học quy trình, thủ tục, tiêu chí để nhận xét, đánh giá phải bảo đảm thuận tiện cho việc thực hiện, không quá rườm rà, không quá nhiều tiêu chí.

Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người cán bộ, cần nhất hai tiêu chí cơ bản. Đó là năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất đạo đức cá nhân. Hai điều này sẽ hình thành nên uy tín của người cán bộ trước tập thể, được đánh giá là tốt hay không tốt, hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ.

Trên cơ sở đó, cán bộ nào được tín nhiệm nhiều, chứng tỏ chất lượng làm việc và phẩm chất, đạo đức của người đó được mọi người ghi nhận là tốt. Nếu hai năm liền lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ nào có uy tín thấp thì sẽ phải thay; sau một năm mà tín nhiệm rất thấp cũng không thể tiếp tục để giữ chức vụ hiện tại. Chúng ta làm tốt điều này sẽ chọn được những cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

- Xuân Quý Tỵ 2013  đã đến, đồng chí Bí thư Thành ủy có thông điệp gì gửi tới các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô nhân dịp Xuân mới?

- Bí thư Thành ủy PHẠM QUANG NGHỊ: Thay mặt Thành ủy, tôi xin gửi tới cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân Thủ đô lời chúc một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công! Bước vào năm 2013, với khí thế mới, quyết tâm mới, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô tiếp tục vững bước trên con đường phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Chúc năm mới, thắng lợi mới tới mọi người, mọi nhà!

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!