Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động triển khai, sớm đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 13/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội về triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc làm việc

Triển khai kế hoạch, các nội dung chủ trì, phối hợp 

Thực hiện Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, các sở, ngành của TP đã vào cuộc, khẩn trương chuẩn bị cho việc triển khai Luật Thủ đô 2024 trên địa bàn Hà Nội. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Tây Nam cho biết, Sở đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm Giám đốc Sở là tổ trưởng; các Phó Giám đốc Sở là tổ phó và trưởng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở, Chi Cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội là thành viên.

Nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND TP do Sở chủ trì tham mưu gồm 6 nội dung. Cùng đó, Sở được giao tham mưu đề xuất văn bản đề nghị của UBND TP gửi các bộ, ngành thuộc Chính phủ được giao chủ trì để triển khai thực hiện xây dựng Quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan tổ chức Trung ương.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Tây Nam báo cáo tại buổi làm việc  
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Tây Nam báo cáo tại buổi làm việc  

Ngoài ra, Sở được giao phối hợp với các sở, ban, ngành TP, UBND cấp huyện có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng các quy định về phân cấp, quyết định ủy quyền theo quy định của Luật Thủ đô, văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô trình HĐND, UBND TP, Chủ tịch UBND TP…

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa, để triển khai thi hành những chính sách mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, Sở ban hành kế hoạch triển khai thi hành Điều 22 Luật Thủ đô về phát triển giáo dục và đào tạo. 

“Về nội dung, Sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tổ chức triển khai thi hành Điều 22 Luật Thủ đô. Đồng thời, xây dựng 6 văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật Thủ đô” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa thông tin.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa báo cáo tại buổi làm việc  
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa báo cáo tại buổi làm việc  

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì trình 2 văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND TP;  2 văn bản quy định chi tiết Luật thuộc thẩm quyền của UBND TP. Ngoài ra, Sở Y tế có trách nhiệm thực hiện việc rà soát, tham mưu triển khai các nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án, văn bản cá biệt để thực hiện quy định giao trong Luật Thủ đô (1 đề án)…

Rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung

Cơ bản đồng tình với các đề xuất của Sở LĐTB&XH trong việc triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch 225/KH-UBND, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị, Sở chủ động thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và TP về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách TP; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực để đề xuất việc xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định có liên quan đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, đây là lĩnh vực rất quan trọng trong Luật Thủ đô. Hà Nội là địa phương tiêu biểu của cả nước, nên chính sách giáo dục phải quán triệt tinh thần này, thực hiện đúng mục tiêu, địa bàn, chất lượng.

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Nhấn mạnh Điều 22 về phát triển giáo dục và đào tạo quy định: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho hay, sẽ có Nghị định quy định chi tiết điều này. Trong đó, phải đánh giá lại tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, đội ngũ nhân lực, tài chính, phải đầu tư tương xứng để Hà Nội có đội ngũ giáo viên - nguồn nhân lực chất lượng cao. Về ưu đãi đầu tư, Sở GD&ĐT phải chủ động nghiên cứu…

Về lĩnh vực y tế, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, khoản 1 Điều 26 quy định “Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập…”. 

Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, ngành y tế phải xây dựng đề án thực hiện Luật Thủ đô. Trong đó, việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thế nào - gồm đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động…

“Luật Thủ đô 2024 đã thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển. Do đó, các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động, khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.