KTĐT - Vào thời điểm tháng 1 hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương công bố công khai Danh mục dự án trên trang thông tin điện tử của ngành mình.
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự án phải không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của Dự án. Trường hợp tổng vốn đầu tư dự án vượt trên con số 1.500 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn nêu trên là 10%.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BTO), Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (BT). Theo đó, khuyến khích thực hiện các dự án xây dựng và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc Dự án cải tạo các công trình hiện có như đường bộ, hầm đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, nhà máy thủy điện...
Lựa chọn Nhà đầu tư qua phương thức đấu thầu
Vào thời điểm tháng 1 hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương công bố công khai Danh mục dự án trên trang thông tin điện tử của ngành mình.
Đối với Dự án trong Danh mục dự án đã công bố có từ 2 Nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế để lựa chọn Nhà đầu tư. Việc chỉ định Nhà đầu tư chỉ áp dụng khi chỉ có 1 Nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án hoặc đây là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng...
Cần biết là Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và đề xuất dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án có nhu cầu sử dụng đất từ 200 ha trở lên, dự án có yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ và dự án thuộc nhóm A có tổng vốn đầu tư từ 1.500 tỷ trở lên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia; dự án mà Bộ, ngành hoặc cơ quan được ủy quyền của Bộ, ngành là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án; các dự án thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự án được triển khai chỉ sau khi Nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận nói trên.
Để bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dự án, Nghị định quy định dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng dự án không được thấp hơn 2% tổng vốn đầu tư. Tương tự, tổng vốn trên 1.500 tỷ , số tiền bảo lãnh là từ 1% tổng vốn.
Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng nói trên được áp dụng dưới hình thức bảo lãnh của ngân hàng hoặc biện pháp khác hợp pháp và có hiệu lực từ ngày Hợp đồng dự án được ký chính thức đến ngày công trình được hoàn thành.
Việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư, thiết kế kỹ thuật và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại Hợp đồng dự án chỉ được xem xét lại khi dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các sự kiện bất khả kháng khác; xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án hoặc khi quy hoạch thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến địa điểm, quy mô, tính chất, mục tiêu của dự án.