Chữ ký số không cần USB Token, khi nào sẽ ứng dụng trong thực tiễn?

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa, người sử dụng không cần USB Token, máy tính vẫn có thể ký số với tốc độ lên đến hàng nghìn TPS/s. Đặc biệt, tích hợp nhiều phần mềm như hóa đơn điện tử, kê khai thuế, hải quan…

Chữ ký số dựa trên đám mây (cloud-based digital signature), hoặc “chữ ký từ xa - RemoteSigning” là một thế hệ chữ ký số mới có thể hoạt động trên các thiết bị máy tính để bàn, thiết bị di động và web - đáp ứng mức độ tuân thủ và đảm bảo cao nhất cho xác thực người ký. Mỗi người ký được cấp ID số dựa trên chứng thư số cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ tin cậy (TSP). Khi ký số một tài liệu, ID người dùng được sử dụng với mã PIN cá nhân và các bước xác minh khác để chứng minh danh tính của người ký.

Chữ ký số không cần USB Token, khi nào sẽ ứng dụng trong thực tiễn? - Ảnh 1

Ảnh minh họa chữ ký số không cần sử dụng USB token.

Với chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa người sử dụng không cần USB Token, máy tính vẫn có thể ký số với tốc độ lên đến hàng nghìn TPS/s. Với mô hình bảo mật 2 lớp (đăng nhập và bảo mật qua OTP hoặc sinh trắc học), người dùng hoàn toàn yên tâm thao tác trên Smartphone đơn giản và vô cùng dễ dàng.
Tích hợp nhiều phần mềm như hóa đơn điện tử, kê khai thuế, hải quan… Điện tử hóa ký và lưu trữ mọi tài liệu như hợp đồng, chứng từ, báo cáo kinh tế, tài chính giúp tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT ban hành ngày 5/12/2019 Quy định Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020. Một số điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, ngoài các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng và chữ ký số nước ngoài theo quy định về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được Bộ TT&TT cấp phép thì tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng chữ ký số, cung cấp giải pháp chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa cũng thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.
Thứ hai, để tổ chức thực hiện Bộ TT&TT sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung và Vụ KH&CN chủ trì rà soát, cập nhật Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa. Bên cạnh đó Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn thuộc Danh mục này.

Chữ ký số không cần USB Token, khi nào sẽ ứng dụng trong thực tiễn? - Ảnh 2

Thời gian có hiệu lực Thông tư 16/2019/TT-BTTTT.

Được biết, Thông tư 16/2019/TT-BTTTT ban hành có sự đóng góp ý kiến tích cực của cộng đồng các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, nhất là những nhà cung cấp đã có thời gian triển khai và cung cấp dịch vụ chữ ký số qua USB Token để từ đó nhận thấy sự cần thiết của giải pháp ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam đang rất khẩn trương hoàn thiện sản phẩm và giải pháp ký số không cần USB Token để phục vụ người dùng, tuy nhiên để có thể cung cấp được chữ ký số theo giải pháp mới này, các nhà cung cấp phải đảm bảo 2 điều kiện:
Một là: Sản phẩm phải được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật theo Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc quy định tại Thông tư 16/2019/TT-BTTTT.
Hai là: Sản phẩm chỉ có thể áp dụng thực tiễn từ ngày 01/4/2020, thời điểm Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT có hiệu lực.
Tại thời điểm này, việc cung cấp Chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa là chưa đủ điều kiện áp dụng. Người tiêu dùng cần lưu ý, am hiểu cũng như tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký, quản lý chữ ký số theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới chữ ký số không cần USB Token sẽ là sự bổ sung tiện lợi cho các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần