Chủ mưu thật sự của cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ là ai?

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đảo chính do lực lượng quân đội tiến hành lần thứ 5 trong 50 năm qua đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ tối qua, giờ địa phương.

Cuộc chính biến bất ngờ

Âm mưu đảo chính bắt đầu vào khoảng 19h30, tối 15/7, giờ địa phương, khi quân đội phong toả cầu Bosphorus ở Istanbul và bao vây một số địa điểm then chốt. Tiếng súng nổ ra tại một số địa điểm ở thủ đô Ankara. Các xe tăng của phe đảo chính cũng đổ ra quảng trường Taksim và bên ngoài sân bay Ataturk ở TP Istabul, trong khi máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quần thảo liên tục trên bầu trời thành phố Istanbul và thủ đô Ankara.
Phe đảo chính chiếm cây cầu trọng yếu.
Phe đảo chính chiếm cây cầu trọng yếu.
Khoảng 20 giờ, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo một nhóm trong quân đội nước này muốn lật đổ chính phủ, kêu gọi người dân bình tĩnh.
Người dân hoảng loạn trước sự kiện bất ngờ này.
Người dân hoảng loạn trước sự kiện bất ngờ.
Các cuộc giao tranh đã nổ ra tại Istanbul và Ankara khi lực lượng an ninh cố gắng phong tỏa các cây cầu trọng yếu ở 2 thành phố này. Phe ủng hộ đảo chính cũng thả một quả bom đã rơi trúng tòa nhà quốc hội nước này tại thủ đô Ankara. Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt làm con tin.

Khống chế phương tiện truyền thông, mạng xã hội

Tiếng súng vẫn rền vang ở khắp nơi trong đêm 15/7, khiến cư dân hoảng loạn. Phe đảo chính tấn công đài truyền hình và phát thanh nhà nước. Cả Facebook, Twitter và YouTube đều bị ngừng hoặc truy cập cực kỳ chậm.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chặn xe tăng của phe đảo chính sau lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chặn xe tăng của phe đảo chính sau lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan.
Súng nổ ở cả gần khu dinh thự tổng thống tại thủ đô Ankara. Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin các trực thăng đã bắn vào trụ sở tình báo quốc gia ở khu vực này.

Khoảng 2 tiếng sau khi đảo chính xảy ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải sử dụng ứng dụng Facetime để kêu gọi người dân đổ ra đường chống lại đảo chính.

Sau lời kêu gọi này, người dân đã ùa ra đường, chặn các xe tăng của quân đội.
:ực lượng đảo chính bị người dân tước vũ khí.
:ực lượng đảo chính bị người dân tước vũ khí.
Khoảng 23 giờ, tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ là bắn hạ trực thăng quân sự mà phe đảo chính sử dụng. Khoảng 3 giờ 40 phút, phe đảo chính bắt đầu đầu hàng tại Istanbul, sau khi bị cảnh sát vũ trang trung thành với chính phủ bao vây. Tại Ankara, những người ủng hộ chính quyền Erdogan cũng tập trung tại trung tâm thành phố, ngăn chặn xe tăng của phe đảo chính. Lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ.

Khoảng 5 giờ 20 phút, Tổng thống Erdongan tuyên bố cuộc đảo chính thất bại. Tổng tham mưu trưởng quân đội được giải cứu. Cuộc đảo chính khiến 265 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương. Gần 3000 nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt.

Người đứng sau cuộc đảo chính bất thành

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Đại tá Muharrem Kose, người từng bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan loại ngũ chính là người đứng đầu mưu toan đảo chính chống lại chính quyền Ankara. Kose từng bị thải hồi vào tháng Ba năm nay, đã cấu kết với nhiều phe nhóm chống chính phủ và giáo sĩ Imam Fethullah Gulen.
Đại tá Muharrem Kose.
Đại tá Muharrem Kose.
Giáo sĩ Gulen hiện sống lưu vong tại Saylorsburg, Philadelphia (Mỹ) và điều hành một phong trào tôn giáo được coi là đối thủ chính trị của ông Erdogan.

Đại tá Kose đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Hội đồng hòa bình, một chính phủ lâm thời nhằm khôi phục nền dân chủ và nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ."

Tổng thống Erdogan quy trách nhiệm cuộc đảo chính cho phong trào của giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong ở Mỹ. Tuy nhiên ông Gulen bác bỏ mọi dính líu tới cuộc đảo chính.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn nguồn từ các quan chức thân cận với Tổng thống Erdogan cho rằng một số phần tử của Gendarmerie General Command - một nhánh của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau cuộc đảo chính hụt. Còn các thành phần cốt lõi của lục quân và hải quân thì vẫn trung thành với ông Erdogan trong suốt diễn biến vừa qua.

Hiện chủ mưu thật sự của cuộc đảo chính hụt vẫn chưa rõ ràng.

Giá dầu tình cờ được lợi

Giá dầu Brent giao dịch quốc tế đã tăng khoảng 1,01% lên 48,09 USD/thùng sau khi có tin về vụ đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, với vị trí nằm giữa châu Âu và Trung Đông, dù không phải một nhà sản xuất dầu lớn nhưng lại là khu vực giao thông của nhiều tuyến đường khí đốt trọng yếu.

John Kilduff, đối tác sáng lập hãng Again Capital, cho rằng giá dầu tăng “rõ ràng” do có tác động từ sự kiện ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Kilduff khẳng định, vụ đảo chính đã khiến Ankara xáo động mạnh mẽ, nhưng tin tức này “vô tình có lợi cho giá dầu”.

Dự báo dài hạn

Các học giả cho rằng, câu hỏi quan trọng sau cuộc đảo chính bất thành này là, sự việc sẽ phát triển đến mức độ nào.

Theo ông Taspinar - GS của viện Brookings, sau cuộc chính biến bất thành này, nguy cơ nguy hiểm nhất là một xung đột vũ trang đẫm máu, hay có thể hiểu là cuộc “thanh lọc” đối với quân đội mà ông Erdogan đã phát biểu trước đó. Ông Erdogan vẫn được cho là có “bàn tay sắt”, vị học giả này lưu ý. "Tôi không mong sự việc này xảy ra, nhưng nếu có, nó sẽ tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ", ông Taspinar dự báo.